You are here

“Mở đường” đưa thiết bị bay không người lái vào nông nghiệp

Tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái do Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và công bố mở ra cơ hội áp dụng rộng rãi các công nghệ phun mới nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.

Nhiều nơi đã hình thành “đội bay”

Ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV hay Drone) vào nông nghiệp đang là xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu do Goldman Sachs thực hiện cho thấy, nông nghiệp là ngành có mức độ ứng dụng thiết bị bay không người lái lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Tại châu Á, giai đoạn 2016 - 2017, Trung Quốc sử dụng khoảng 13.000 thiết bị bay trong nông nghiệp; tới năm 2021 con số đã tăng hơn chục lần, lên hơn 160.000 thiết bị bay với tổng diện tích ứng dụng gần 87 triệu hecta. Diễn biến tương tự xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, bởi việc sử dụng thiết bị bay không người lái giúp các quốc gia này giải quyết được các áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hóa dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Ở nước ta, với mong muốn đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tiết kiệm sức lao động, bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhiều địa phương đã hình thành cả "đội bay" chuyên phun thuốc cho nông dân trong vùng. Nhiều địa phương cũng đã tổ chức hội thảo trình diễn máy bay phun thuốc không người lái trên cây lúa và cây ăn quả.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) cho biết, một số doanh nghiệp của Hội đã tiến hành áp dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ một số sinh vật gây hại trên cây lúa, ngô, rau, cây ăn quả. Kết quả bước đầu cho thấy nhiều trường hợp cho hiệu quả cao hơn các thiết bị phun thông thường.

Trước xu hướng và diễn biến này, trong 2 năm 2021 - 2022, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc VIPA tiến hành một số mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái. Việc thử nghiệm được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước.

Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ này cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động. Nông dân tham gia khảo nghiệm nghiệm cũng ghi nhận rằng họ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật ít hơn so với phun thông thường.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt công bố tiêu chuẩn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái
 Ảnh: H.Lan

Cơ sở pháp lý đầu tiên

​​​Đại diện doanh nghiệp kinh doanh thiết bị bay không người lái ứng dụng trong nông nghiệp cho biết, người dân muốn sử dụng thiết bị này phải đăng ký với Bộ Quốc phòng, khi tiến hành phun thuốc trên đồng ruộng phải xin phép công an địa phương. 

Dựa trên kết quả khảo nghiệm và góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các đơn vị liên quan, Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện và công bố “Tiêu chuẩn về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái”. Tiêu chuẩn đưa ra các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá đối với các loại vật tư nông nghiệp được sử dụng bằng thiết bị bay không người lái. Trong đó có 3 chỉ tiêu chính là đánh giá hiệu lực, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; tồn dư dư lượng trên nông sản; ảnh hưởng của việc phun thuốc đến cây trồng, môi trường, sinh vật có ích trong quá trình sản xuất.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh: “Đây là văn bản đầu tiên hướng dẫn đăng ký và triển khai việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ thực vật; cùng là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên thiết bị bay không người lái”. Ông bày tỏ hy vọng, tiêu chuẩn này sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng và áp dụng rộng rãi các công nghệ phun mới tại nước ta nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản. “Đây là bước đi giúp ngành bảo vệ thực vật đưa các giải pháp hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Tới đây, chúng tôi sẽ cải tiến và nâng tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn Việt Nam”, ông Đạt khẳng định.

“Việc Cục Bảo vệ thực vật công bố tiêu chuẩn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái là một tin vui và có ý nghĩa với nhiều đối tượng”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết. Một mặt, tiêu chuẩn này là cơ sở quan trọng với các doanh nghiệp khi đăng ký sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, tiêu chuẩn này ra đời góp phần không nhỏ tháo gỡ được nhiều băn khoăn, vướng mắc cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có liên quan khác... trong việc áp dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất một cách hiệu quả, đúng quy định.

Bà Đào Thu Vinh, đại diện CropLife Việt Nam mong muốn, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục xây dựng và hướng dẫn vận hành quy trình chuẩn để bà con nông dân tiếp cận được công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm hơn.

Hà Lan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE