You are here

Cuộc đua quyết liệt về công nghệ xanh

Sản phẩm xe ô-tô điện tại nhà máy của Tesla ở Gruenheide, Berlin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, một kế hoạch khí hậu quy mô lớn bao gồm khoản chi 370 tỷ USD nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. IRA giảm thuế cho các công ty đầu tư vào năng lượng sạch, cung cấp các khoản trợ cấp cho xe điện, pin và các dự án năng lượng tái tạo được sản xuất tại Mỹ. EU lo ngại đạo luật này có thể ảnh hưởng đến việc làm tại châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất ô-tô.

Tuy nhiên, kế hoạch nêu trên cũng cho phép một số ngoại lệ đối với các nước có ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Trong khi đó, EU và Mỹ lại không có, bởi thế khối này đang tìm cách đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ để EU có thể tiếp cận các lợi ích từ kế hoạch khí hậu đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhà lãnh đạo của EU nhận định, IRA của Mỹ mang lại những cắt giảm lớn cho công nghệ sạch sản xuất tại quốc gia Bắc Mỹ này, tuy nhiên lại có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế của châu Âu. EU đang tìm cách thương lượng với Mỹ về việc diễn giải văn bản luật trên, đồng thời tăng cường đầu tư vào công nghệ sạch của chính EU.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tại Washington vào ngày 10/3 tới. Theo tuyên bố của Nhà trắng, trong cuộc gặp, Tổng thống Biden và Chủ tịch EC sẽ thảo luận về công tác điều phối của Mỹ và EU nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách đầu tư vào công nghệ sạch dựa trên các chuỗi cung ứng bảo đảm.

EC đã đề xuất cho phép tăng các mức độ trợ cấp nhà nước dành cho các doanh nghiệp tại EU để có thể cạnh tranh công bằng với Mỹ trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác, cũng như nỗ lực giảm tác động của IRA đối với ngành công nghiệp châu Âu. Theo bà Leyen, các nhà sản xuất ô-tô điện của EU, vốn đã được tiếp cận các quy định cắt giảm thuế của Mỹ, cần bảo đảm các nhà sản xuất ắc-quy và linh kiện ắc-quy của liên minh này cũng được hưởng lợi từ IRA.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn chưa đồng thuận về cách tiếp cận vấn đề này. Trong khi đó, Mỹ thể hiện mong muốn hợp tác với EU để tránh hai đồng minh “giẫm chân lên nhau” trong cuộc đua công nghệ xanh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã ủng hộ ý tưởng của EU về trợ cấp xanh nhằm bù đắp những thiệt hại mà khối này lo ngại do những tác động của IRA. Theo Bộ trưởng Yellen, nếu châu Âu hành động để đưa ra các khoản trợ cấp tương tự như chính sách của Mỹ thì đây là chính sách khí hậu tốt.

Theo quan chức Mỹ, phía Washington sẽ hợp tác với EU vì hai bên chia sẻ nhiều mục tiêu giống nhau và đều muốn bảo đảm có đủ nguồn cung cấp tất cả sản phẩm quan trọng đối với năng lượng sạch như pin, tấm pin mặt trời, tuabin gió, để cùng hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Một “cuộc đua trợ cấp” sẽ là tình huống đôi bên cùng bị thiệt hại cho nên cả EU và Mỹ đều muốn tránh điều này. Nhằm cạnh tranh công bằng, hai bên đã nhất trí cần bảo đảm sự minh bạch toàn diện về các khoản trợ cấp xanh và tín dụng thuế, đồng thời tiếp tục thương lượng trong nhiều vấn đề liên quan. Tuy nhiên, EU đang thể hiện quyết tâm không bị “hụt hơi” trong cuộc đua với cường quốc số một thế giới trong lĩnh vực công nghệ xanh.

ĐAN ANH



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE