You are here

Những điểm mới trong Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ngày 8/7. Ảnh: TTXVN.

Ngày 28/7/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 22) thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Quy định 22 có nhiều điểm mới, thể hiện sự phát triển về lý luận, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Quy định 22 có tên gọi ngắn gọn, thể hiện nội dung toàn diện, bao quát các nguyên tắc, quan điểm, chức năng lãnh đạo, các quy định, cách thức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Kết cấu và bố cục phù hợp với thể loại văn bản quy định của Đảng. Quy định 22 gồm 7 chương, 36 điều, được sắp xếp hệ thống, logic, khoa học, chặt chẽ, dễ nhớ, dễ tìm kiếm, làm căn cứ để thực hiện.

Quy định 22 kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định 30 và bổ sung một số nguyên tắc, nội dung quan trọng và những vấn đề nảy sinh trong nhiệm kỳ vừa qua, nhằm phát huy đầy đủ hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong tình hình mới.

1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Quy định

Quy định 22 bổ sung đối tượng trong Phạm vi điều chỉnh, đó là áp dụng “bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sát nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu” (Khoản 2, Điều 1). Từ trước đến nay chưa có văn bản quy định nào đề cập đến các đối tượng này nên khi kiểm tra, xem xét kỷ luật có phần lúng túng. Nội dung này thể hiện tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Thực tế vừa qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xem xét và xử lý nhiều tổ chức đảng đã kết thúc nhiệm kỳ, kết thúc hoạt động và cán bộ đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu có vi phạm.

2. Về các nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng

Quy định 22 bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng, đó là: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục” (Khoản 3, Điều 2). Nội dung này cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thể hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhằm phát huy ưu điểm, phải lấy xây là chính.

3. Về khái niệm kiểm tra, giám sát

Khái niệm “Kiểm tra” được bổ sung cụ thể là: “Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước”(Khoản 3, Điều 3).

Khái niệm “Giám sát” được bổ sung như sau: “Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có)”(Khoản 4, Điều 3).

Quy định 22 bổ sung điểm mới: “Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm (nếu có) và kết luận đối với tổ chức đảng, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ cấp trên giao” (Khoản 5, Điều 3).

Quy định giám sát có kết luận và giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh là vấn đề mới so với Quy định 30. Quy định này góp phần khắc phục những hạn chế vừa qua, đặt ra yêu cầu cao hơn với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, phải phát hiện sớm, kịp thời dấu hiệu vi phạm và vi phạm (nếu có) để cảnh báo, nhắc nhở, không để vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng.

4. Về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát

Quy định 22 bổ sung quy định đối tượng kiểm tra, giám sát “không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát” (Khoản 6, Điều 3).

5. Về công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng

Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Quy định 22 bổ sung nội dung: “Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước” (Mục b, Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 4). Quy định này nhằm thực hiện quan điểm “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ngoài việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, Quy định bổ sung nội dung về “tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên” (Khoản 2.3.2 và Khoản 3.3.2, Điều 4).

Theo Quy định 30, nội dung kiểm tra của các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy giống nội dung kiểm tra của cấp ủy. Nay theo Quy định 22, nội dung kiểm tra “theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao” (Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 5). Nội dung kiểm tra của các tổ chức này được xác định rõ so với trước đây.

6. Về công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp

Về nội dung giám sát đối với tổ chức đảng, bổ sung nội dung việc thực hiện các “kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát và kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm” (Mục a, 3.1.1, Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 8).

Về nội dung giám sát đảng viên, các điểm mới của Quy định 22 nhằm đáp ứng yêu cầu công tác giám sát đảng viên bao gồm việc giữ gìn đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị và trách nhiệm nêu gương, để chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và sự gương mẫu trong rèn luyện của đảng viên, nhất là cấp ủy viên các cấp. Do vậy, Quy định 22 đã thay cụm từ “tập trung dân chủ” bằng cụm từ “tổ chức và hoạt động của Đảng”, viết lại thành: “Thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác”. Quy định 30 quy định: “Việc giữ gìn đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”, nay Quy định 22 bổ sung, viết lại thành: “tư tưởng chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng”.

Bổ sung quyền hạn cho ủy ban kiểm tra cấp trên “chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” (Mục a, Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 8). Theo Quy định 30, ủy ban kiểm tra các cấp chỉ có thẩm quyền chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới về nội dung trên, nay từ thực tiễn qua nhiệm kỳ Đại hội XII, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện nghiêm túc và có kết quả các kết luận, các ý kiến của ủy ban kiểm tra cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, ủy ban kiểm tra được: “Yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước” (Mục c, Điểm 3.2.7, Khoản 3, Điều 8). Quy định 22 bổ sung thẩm quyền này cho ủy ban kiểm tra nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng, ngăn chặn những vi phạm, các hành vi sai trái của tổ chức đảng và đảng viên.

Tăng thêm nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Quy định 22 quy định: “Ủy ban kiểm tra phải kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do cơ quan chức năng thụ lý”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xử lý, thi hành án các vụ án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng” (Điểm 4.6, Khoản 4, Điều 8).

7. Về thi hành kỷ luật trong Đảng

Quy định lần này của Ban Chấp hành Trung ương có một số điểm mới, có tính đột phá về thẩm quyền thi hành kỷ luật của ban thường vụ đảng ủy cơ sở và ủy ban kiểm tra các cấp mà trước đây chưa có.

Về thi hành kỷ luật trong Đảng, Quy định 22 bổ sung quy định rõ hơn về xử lý đảng viên dự bị và liên quan đến việc công nhận chính thức, cụ thể: “Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức” (Khoản 10, Điều 9).

Quy định 22 cũng quy định thêm trách nhiệm của cá nhân có liên quan khi kỷ luật tổ chức đảng: “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng” (Khoản 11, Điều 9).

Về thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, bổ sung hai tổ chức là ban thường vụ đảng ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở. Cụ thể đối với đảng viên: “Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý” (Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 11); “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, chi bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp)” (Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 11).

Đối với tổ chức đảng: “Ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định” (Khoản 1, Điều 12); “Ủy ban kiểm tra các cấp quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới” (Khoản 2, Điều 12).

Việc bổ sung thẩm quyền thi hành kỷ luật cho ban thường vụ đảng ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở và thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng cho ủy ban kiểm tra là sự phân cấp, phân quyền và đánh giá cao vị trí, vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở và ủy ban kiểm tra các cấp. Trước đây chưa có quy định này, khi kết luận tổ chức đảng có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, ủy ban kiểm tra phải chuyển cho cấp ủy cấp dưới xử lý, gây khó khăn, kéo dài, không kịp thời. Để thực hiện đúng thẩm quyền này, ủy ban kiểm tra cấp trên cần tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật trong Đảng được nghiêm minh, đúng quy định.

Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, Quy định 22 bổ sung quy định: Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc “do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét xử lý kỷ luật, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán” (Khoản 2, Điều 17).

Quy định này thể hiện tinh thần kiên quyết, kịp thời trong việc kiểm tra, xử lý đảng viên vi phạm pháp luật, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại, dây dưa, kéo dài, gây dư luận không tốt. Thực tế nhiệm kỳ qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra đã tiến hành xem xét, xử lý nhiều vụ việc như vậy, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình.

8. Về giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật

Quy định 30 chỉ quy định nhiệm vụ giải quyết tố cáo cho ủy ban kiểm tra các cấp và không quy định giải quyết tố cáo đảng viên đã nghỉ hưu nếu tố cáo vi phạm khi đang công tác. Quy định 22 lần này bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo cho cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý (Khoản 1, Điều 19) và “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức” (Khoản 2, Điều 19).

Về nguyên tắc giải quyết tố cáo: So với Quy định 30, Quy định 22 bổ sung hai điểm mới: “Không giải quyết tố cáo những đơn tố cáo do người tố cáo đã tự nguyện rút đơn, nay tiếp tục tố cáo lại nhưng không có thêm nội dung, tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất sự việc” và đối với “đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, nếu rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo” (Khoản 7, Điều 20).

Thực tế vừa qua có tình trạng người tố cáo đã rút đơn nhưng sau đó lại tiếp tục tố cáo nhưng không có nội dung, chứng cứ mới, gây khó khăn, mất thời gian, công sức cho ủy ban kiểm tra. Mặt khác, tuy đã có quy định đảng viên không được tố cáo giấu tên, mạo tên và không xem xét, giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng vẫn có tình trạng trên; trong khi một số trường hợp tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng lại có nội dung, địa chỉ cụ thể, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đã cho thấy đối tượng bị tố cáo có vi phạm, thậm chí đến mức phải xử lý. Quy định này nhằm không bỏ sót các nguồn tin đã được kiểm chứng và mọi hành vi vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên (nếu có).

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, Quy định 22 bổ sung: “Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng được tiến hành từ ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên” (Khoản 1, Điều 22); đồng thời quy định: “Ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy là cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật lần đầu của tổ chức đảng đối với quyết định kỷ luật của ủy ban kiểm tra cùng cấp” (Khoản 2, Điều 22).

Về thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật, Quy định 22 bổ sung cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, cụ thể: “Ủy ban kiểm tra đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng do tổ chức đảng cấp dưới quyết định” (Điều 25).

Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là văn bản quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thực hiện Quy định, để thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng n

 

TRẦN VĂN RÓN, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo Nhân Dân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE