You are here

Hết thời “hoàng kim”, Vang Thăng Long liên tục báo lỗ

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của VTL đạt mức 47 tỷ đồng, giảm 24,2 % so với 9 tháng năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận âm 5,7 tỷ đồng, giảm so với mức âm hơn 7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Vang Thăng Long (Mã chứng khoán: VTL), tiền thân là Xí nghiệp nước giải khát Thăng Long, ra đời năm 1989, trực thuộc công ty Rượu bia Hà Nội. Công ty cổ phần hóa vào năm 2011 với vốn điều lệ khi đó là 11,6 tỷ đồng. Đến năm 2005, vốn điều lệ của công ty tăng lên 18 tỷ đồng, đồng thời cổ phiếu của Vang Thăng Long đã được niêm yết và giao dịch trên HNX. Khi đó, sở hữu Nhà nước tại Vang Thăng Long là 40%.

Vào thời điểm “hoàng kim” của mình, Vang Thăng Long có lượng tiêu thụ hơn 5,3 triệu lít, trong đó gần 5,2 triệu lít là sản phẩm vang tổng (97,6%). Các sản phẩm có giá trị cao hơn như vang 2 năm và vang 5 năm chỉ chiếm hơn 53.000 lít, tương đương 1%. Lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, cùng tỷ lệ chia cổ tức lên tới 22%.

Thời điểm 2004 đến 2006, Vang Thăng Long duy trì doanh thu trên dưới 70 tỷ đồng và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên 7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5-6 tỷ đồng so với vốn điều lệ 18 tỷ đồng, một tỷ lệ đáng mơ ước đối với nhiều doanh nghiệp khác.

Diễn biến lợi nhuận trước thuế của Vang Thăng Long (đơn vị: tỷ đồng).

Mặc dù có bước khởi điểm với một thương hiệu có tiếng với thị trường rượu vang trong nước, nhưng những năm gần đây Vang Thăng Long ngày càng tỏ ra đuối sức trong việc giành giật thị phần với các thương hiệu rượu vang nhập khẩu.

Dữ liệu tài chính được công bố cho biết, quý 3.2022, VTL có doanh thu thuần đạt mức 2,6 tỷ đồng, giảm 80 % so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu èo uột nên sau khi trừ đi các giá vốn và các chi phí, VTL có lợi nhuận trước thuế âm 1,9 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của VTL đạt mức 47 tỷ đồng, giảm 24,2 % so với 9 tháng năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận âm 5,7 tỷ đồng, giảm so với mức âm hơn 7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Thực tế, tình trạng kinh doanh thua lỗ của VTL đã diễn ra từ nhiều quý gần đây. Quý 2.2022, Vang Thăng Long ghi nhận doanh thu thuần đạt 18,2 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận khoản lỗ hơn 2,3 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, đến thời điểm ngày 30.9.2022, tổng tài sản 137 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đạt mức 119 tỷ đồng, tăng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả của VTL đang gấp 7 lần so với vốn chủ sở hữu (17 tỷ đồng).

Ngày 31.8.2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định đưa cổ phiếu Công ty Cổ phần Vang Thăng Long vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) kể từ ngày 6.9.2022.

Theo đó, lý do được HNX đưa ra là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm là số âm.

Mặc dù ghi nhận lợi nhuận âm liên tiếp trong các quý gần đây nhưng giá cổ phiếu của VTL vẫn đang ở mức 15.300 đồng/cổ phiếu sau khi chốt phiên giao dịch ngày 2.1.2023.

Tú Anh



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE