You are here

Giảm "kịch sàn" cũng không thấm vào đâu!

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, tương đương giảm 700 - 1.000 đồng/lít (tùy loại). Các chuyên gia cho rằng, mức này không thấm vào đâu!

Ngân sách hụt thu 1.400 tỷ đồng/tháng

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022.

Theo đó, Bộ đề xuất điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, tương đương mức giảm từ 700 - 1.000 đồng/lít (tùy loại) nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.

Giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường cũng không mấy tác dụng với ghìm lạm phát Ảnh: VnExpress

Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg. Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Trường hợp Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong tháng 7.2022, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1.8.2022.

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid - 19 là năm 2019.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên, thì ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng. Trường hợp Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.8 - 31.12.2022, thì ước giảm thu ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu ngân sách bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.

Về tác động thu ngân sách do giá dầu thô tăng, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu thô ở mức 110USD/thùng, thu ngân sách tăng khoảng 2.376 tỷ đồng/tháng. Nếu giá dầu thô ở mức 120USD/thùng, tăng thu ngân sách khoảng 2.644 tỷ đồng/tháng.

Tiếp tục đề xuất miễn/bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay, dù có giảm kịch sàn thuế BVMT thì cũng không mấy tác dụng với việc giảm chỉ số giá tiêu dùng và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, cho biết, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể giảm 2% và chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế tăng gần 1%. Mức ảnh hưởng này là khá lớn! “Trong khi đó, giá xăng đã tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh vừa qua, lên hơn 32 nghìn đồng/lít. Hơn nữa, thị trường xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore vẫn tăng nên xăng trong nước đối diện nguy cơ tăng giá trong kỳ điều hành mới vào ngày 21.6 tới. Do vậy có giảm 700 - 1.000 đồng thuế BVMT với xăng dầu cũng không thấm vào đâu và không có nhiều tác dụng với mục tiêu giảm lạm phát”, ông nói.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc giảm thêm thuế nhập khẩu và/hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Hiện tại, 1 lít RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong số này, người tiêu dùng phải trả 9.400 đồng cho 4 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng - đều 10% và thuế BVMT). Cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng các loại thuế, phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%. Tức là, nếu mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải gánh hơn 34.000 đồng các loại thuế phí. 

Một số chuyên gia khác - như luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự (Hà Nội), PGS.TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Lý do là thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều chỉnh thái độ tiêu dùng, tức đánh vào hàng tiêu dùng (hoặc dịch vụ) hoặc nguyên liệu chủ yếu trực tiếp sản xuất ra những mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng. Trong khi đó, xăng dầu chưa bao giờ thuộc đối tượng này, bởi nó là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Nếu tiếp tục giữ thuế này, giá cả mọi sản phẩm sẽ tăng, gánh nặng chi phí cho nền kinh tế lớn, tăng lạm phát và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống người lao động và nhân dân khó khăn. Còn hậu quả đối với ngân sách, rất có thể nguồn thu từ các loại thuế đánh vào doanh nghiệp sẽ giảm và bị thiệt hại.

Theo TS. Bùi Trinh, giảm giá xăng dầu sẽ mang lại hiệu quả không kém gói kích thích nền kinh tế từ đầu tư công, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn mà lại ít chịu rủi ro về đạo đức hơn. Bởi, hiện nay, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của Việt Nam không hoàn toàn tốt. 100 đồng bỏ ra đầu tư chỉ có 80 đồng đến được với sản xuất để tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động - khoản này mới được tính vào GDP.

Hà Lan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE