You are here

Doanh nghiệp bán lẻ Việt vẫn bị “lép vế” trên sân nhà

Muốn thị trường bán lẻ phát triển bền vững, cần xây dựng thương hiệu bán lẻ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt trên "sân nhà".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2019 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD.  

Ngoài ra, với dân số trẻ, đông trên 90 triệu dân, thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% thị phần, sức mua ngày càng cao, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn, tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và nước ngoài.

Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế, vài năm trở lại đây, trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ chủ yếu bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Auchan, Family Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. 

Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng khốc liệt. Sự cạnh tranh diễn ra giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hóa; cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI…  

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa, hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Bởi thời gian qua, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới. 

Theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ FDI phát triển rất mạnh mẽ, có nhiều ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp này có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.

Ngược lại, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ. Vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn…

Ông Phú cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững cần hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu bán lẻ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay ở thị trường nội địa. Bởi Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Theo Bộ Công Thương, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài muốn gia nhập thị trường Việt Nam, dự báo với đà phát triển hiện nay, nếu không được kiểm soát, định hướng tốt trong trung và dài hạn, mức độ và khả năng tác động, chi phối của khối doanh nghiệp FDI đến thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp tới sự phát triển của sản xuất, phân phối trong nước.

Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý, chính sách liên quan.

Cụ thể, vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ củng cố, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các hoạt động lập cơ sở bán lẻ, phát triển chuỗi bán lẻ của đối tượng này từ việc mở rộng phạm vi quản lý theo nhà đầu tư, tên, nhãn hiệu cho đến việc chuẩn hóa điều kiện cấp phép, quản lý quá trình hoạt động thông qua chế độ báo cáo, thống kê, kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép và chấm dứt hoạt động.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc tạo dựng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp bán lẻ Việt cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng. Có như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt mới đủ sức bứt phá, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI./.

Theo VOV.VN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE