You are here

Bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu cho thị trường dịp Tết

Nguồn cung xăng, dầu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, thị trường xăng, dầu thế giới năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới sự ổn định của thị trường trong nước. Điều này đòi hỏi, cơ quan điều hành cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn, bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế.

Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng, dầu

Thông tin về tình hình cung ứng xăng, dầu trên thị trường dịp Tết, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, cùng với hoạt động sản xuất trong nước, cộng thêm nguồn nhập khẩu được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng hạn ngạch được phân giao, đến nay, cơ bản nguồn hàng xăng, dầu được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết.

Tuy vậy, ông Trịnh Quang Khanh đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối đáp ứng đủ nguồn hàng, Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận chuyển xăng, dầu, hỗ trợ bảo đảm nguồn cung. Liên quan tới việc tổ chức bán hàng tại các cửa hàng xăng, dầu vào dịp Tết, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, hoạt động này sẽ được duy trì bình thường. Một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng mồng Một Tết Âm lịch và mở cửa, bán hàng bình thường sau 11 giờ. Thời gian bán hàng này đã được thông báo với các Sở Công Thương và niêm yết công khai để khách hàng biết.

Công nhân kho xăng dầu Tổng công ty Dầu Việt Nam cấp hàng cho xe bồn. Ảnh: HIỀN ANH 

Thông tin thêm, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) chạy trên công suất, có thể cung ứng xăng, dầu theo kế hoạch đến hết quý I-2023. Song ông Trần Phước Hiền thông tin, việc nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước hiện nay rất khó khăn.

Liên quan tới Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn), hiện đang tạm dừng một phân xưởng để khắc phục sự cố kỹ thuật. Sự cố này được cho là sẽ khiến sản lượng xăng, dầu trong 10 ngày đầu tháng 1-2023 của Nhà máy có thể bị giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch.

Trong công điện khẩn mới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các thương nhân đầu mối xăng, dầu, Bộ yêu cầu Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng tối đa công suất xăng, dầu; sử dụng nguồn hàng dự trữ hoặc nguồn hàng khác để thay thế, bù đắp sản lượng phân giao thiếu hụt xăng, dầu cho khách hàng. Về phía các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp này tìm kiếm nguồn cung xăng, dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng, dầu thiếu hụt có thể từ sự cố nói trên. “Bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 và đến hết quý I-2023”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với biến động của thị trường 

Nguồn cung xăng, dầu hiện đang được bảo đảm, không còn tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đổ xăng tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, nguồn cung xăng, dầu của nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu (khoảng 20-25%). Trong khi đó, ngành năng lượng thế giới đang có nhiều biến động do chịu tác động từ nhiều yếu tố như các lệnh cấm vận và chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga, nguồn cung dầu thiếu hụt... Điều này đòi hỏi, cơ quan điều hành cần đưa ra nhiều kịch bản ứng phó và có sự chuẩn bị kỹ hơn, đặc biệt khi các nhà máy lọc hóa dầu trong nước bảo dưỡng theo định kỳ.

Chia sẻ về việc bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, việc nhập khẩu dầu thô cho hoạt động sản xuất xăng, dầu sẽ có nhiều thách thức, khi Việt Nam không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng. Nhất là khi sản lượng, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

Trước bối cảnh thị trường xăng, dầu có nhiều biến động, để tạo điều kiện cho các thương nhân nhập khẩu xăng, dầu, ông Trịnh Quang Khanh kiến nghị, cần tạo thuận lợi cho các đơn vị này tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi hiện nay theo phản ánh của doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn do phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ như thế chấp, cho vay. Đưa ra các giải pháp ổn định thị trường xăng, dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng, dầu tối thiểu đã được phân giao.

Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu của người dân. “Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ áp dụng công nghệ, quản lý xăng, dầu theo hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

VŨ DUNG



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE