You are here

Dừng cơ cấu nợ, doanh nghiệp gặp khó

Ngân hàng dừng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi sau ngày 30.6.2022 khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

“Không biết xoay vào đâu”

Theo Thông tư số 14/2021/NHNN, các ngân hàng sẽ dừng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sau ngày 30.6.2022 (Thông tư 14).

Chủ tịch Tập đoàn Nhân Hòa Hoàng Thám Hoa cho biết, trước dịch, doanh nghiệp có 54 xe vận tải du lịch nhưng hiện chỉ còn 36 xe. Nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19, không có doanh thu nên tháng 6 năm ngoái, doanh nghiệp phải gán nợ 16 xe cho ngân hàng và phải bán 2 xe để có tiền mua bảo hiểm, đăng kiểm. Với khoản vay trung và dài hạn, nhờ được cơ cấu nợ, doanh nghiệp đã có thể trụ vững đến giờ.

Tuy vậy, “cách đây hơn một tuần, tôi ra ngân hàng làm thủ tục thì được thông báo từ tháng 7 này sẽ không được cơ cấu nợ nữa. Như vậy, từ nay đến hết năm, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải trả cả gốc và lãi hơn 3,2 tỷ đồng, do cộng gộp các khoản gốc và lãi được cơ cấu nợ từ trước đó. Nếu không trả được sẽ bị nhảy nhóm và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh. Hiện doanh nghiệp đang chưa biết xoay vào đâu”, bà Hoa thông tin.

Sở dĩ “không biết xoay vào đâu” là bởi từ tháng 4.2022 đến nay, doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động khi ngành du lịch mở cửa nhưng ngày làm hết công suất cũng chỉ có 7 - 8 xe hoạt động, số còn lại vẫn “đắp chiếu” vì không có khách, thiếu tài xế. Chưa kể, trước khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp đã phải dồn tiền đầu tư thay thế hệ thống lốp xe, ắc quy mới, thực hiện đăng kiểm lên tới hàng tỷ đồng. “Chúng tôi hiểu ngân hàng cũng có thế khó, nhưng rõ ràng doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn, chắc chúng tôi phải tiếp tục bán xe gán nợ”, bà Hoa chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng “cực kỳ khó khăn” do không được tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang xác nhận.

Cụ thể, theo ông Giang, đơn hàng dệt may có thể kéo dài tới 5 - 6 tháng, nếu không được tiếp tục cơ cấu nợ sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc mua nguyên phụ liệu và thanh toán; làm mất cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của doanh nghiệp đang ở mức cao, đặc biệt là xăng dầu. Trong  nửa đầu năm nay, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… đã đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 - 25%, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm cạnh tranh ra thế giới.

Ngân hàng dừng cơ cấu nợ sau ngày 30.6.2022 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn
Ảnh: ITN

Mong được kéo dài hết năm 2022

Trong khi doanh nghiệp mong chờ được tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng không cần thiết. Lý do bởi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Mặt khác, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, vì thế việc dừng thực hiện Thông tư này không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.

Dù vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng sẽ theo dõi, đánh giá diễn biến dịch để đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, người dân.

Việc thực hiện cơ cấu nợ trên thực tế đã có tác động lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4.2022, luỹ kế giá trị nợ đã cơ cấu theo các Thông tư 01, 03 và 14 là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; luỹ kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.

Theo giới phân tích, nếu kéo dài mãi việc giãn, hoãn nợ không hẳn là giải pháp tốt cho các bên. Đối với ngân hàng, điều này có thể khiến nhóm nợ không được đặt đúng chỗ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về phía doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực vươn lên. Tuy vậy, tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các ngành nghề, lĩnh vực có sự khác nhau. Do đó, việc xem xét từng nhóm ngành hàng, từng lĩnh vực để có chính sách cụ thể cũng là điều cần được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc và có giải pháp thiết thực.

“Ngân hàng Nhà nước nên xem xét kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2022 để trợ lực cho doanh nghiệp, từ đó ổn định việc làm cho người lao động”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang kiến nghị.

Minh Châu



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE