You are here

Tiêm vaccine mũi 4 là biện pháp hiệu quả giúp tránh tái nhiễm Covid-19

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trước sự lây lan nhanh của biến chủng mới, tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 4) là biện pháp phòng ngừa tốt và hiệu quả nhất. Mỗi người dân cũng cần tự giác nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng.

Vaccine tốt nhất là vaccine được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất

- Mới đây, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho cán bộ, viên chức và người lao động. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai mũi tiêm vaccine thứ 4 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Vậy tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 có tác dụng và cần thiết như thế nào, thưa ông?

- Vaccine phòng Covid-19 không phải là vaccine có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài mà dần dần mất khả năng bảo vệ chỉ sau 4 - 6 tháng. Việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 trong thời điểm hiện nay là biện pháp hiệu quả, cần thiết nhằm giúp cho cơ thể khôi phục lại và tăng khả năng bảo vệ trước virus. 

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Bên cạnh đó, biến thể phụ BA.5 của Omicron được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới đã xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Việt Nam đã ghi nhận nhiều hơn các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 và có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Virus đang có những biến chủng khó lường, do đó vaccine vẫn cần thiết để bảo vệ người dân khỏi những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Bởi vậy, những người đã tiêm mũi 3 được 3 tháng trở lên, đặc biệt là người thuộc diện nguy cơ cao nên tiếp tục tiêm mũi 4. Vaccine tốt nhất là vaccine được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất.

- Đối tượng nào được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4 và sử dụng các loại vaccine gì, thưa ông?

- Đối tượng cần sớm tiêm vaccine mũi 4 bao gồm: người từ 50 tuổi trở lên; ưu tiên người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp. Loại vaccine sử dụng là vaccine mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vaccinedo Astrazeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3. Người dân nên tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau mũi 3, người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc Covid-19.

Đừng để mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vaccine mũi 3 và 4

- Nhiều người dân cho rằng tiêm 2 mũi vaccine là đủ vì kháng thể sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Họ cũng e ngại tác dụng phụ khi tiêm nhiều mũi vaccine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hiện tại cũng như lâu dài. Ông giải thích vấn đề này thế nào?

- Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và công bố kháng thể từ việc vaccine ngừa Covid-19 không phải duy trì lâu dài hoặc tồn tại mãi trong cơ thể con người, mà sẽ giảm theo thời gian và dần dần sẽ mất khả năng bảo vệ. Theo thông tin từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 và đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó, nên tiêm vaccine mũi nhắc lần 2 (mũi 4) để kháng thể lại bật lên để bảo vệ cơ thể khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Việc tiêm vaccine có biến cố bất lợi có thể xảy ra. Bất kể là loại vaccine nào thì khi tiêm đều xảy ra tác dụng phụ, nhưng hầu hết là nhẹ và rất hiếm khi trở nặng. Vẫn có một vài trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều. Việc có biến cố bất lợi của vaccine không phải là rào cản hay chỉ số để chúng ta không sử dụng vaccine. 

Bên cạnh đó, có rất nhiều dữ liệu bằng chứng kiểm định vaccine Covid-19 được sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn. Khi người dân thực hiện tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 sẽ có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi hay các tác dụng phụ. Các bệnh viện, phòng khám đều sẵn sàng để phát hiện cũng như đối phó với các trường hợp nguy hiểm, đặc biệt những biến cố nặng như sốc phản vệ... Có thể thấy, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để rồi mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vaccine mũi 3 và 4.

-Thực trạng công tác tiêm chủng vaccine mũi 3, 4 phòng Covid-19 trong giai đoạn này đã khác trước. Người dân đã bắt đầu chủ quan và coi nhẹ nguy cơ của dịch bệnh nên nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 giảm rõ rệt. Vậy cần làm gì để nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích tiêm chủng, giữ vững thành quả chống dịch, thưa ông?

- Như tôi đã nói, kháng thể vaccine tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian. Khi cơ thể mất khả năng miễn dịch có thể tái nhiễm Covid-19 và tử vong nếu xuất hiện biến chủng mới có độc lực cao. Vậy nên, người dân không được chủ quan và mất cảnh giác. Không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh Covid-19, không quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch, không địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn nhiều ca nhiễm.

Việc tiêm vaccine là rất cần thiết để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, khi đất nước vừa bước vào giai đoạn "bình thường mới" thì việc tiêm chủng không thể dùng mệnh lệnh hành chính bởi đó là quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Bản thân mỗi người cần tự nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tiêm chủng để giúp xã hội bình yên hơn, phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tiến tới phát triển nhanh hơn. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, giảm bớt được lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì sẽ giảm đi được gánh nặng cho xã hội. Mỗi người dân phải là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. 

Các cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp vào cuộc, bắt tay cùng Bộ Y tế để đưa ra những chủ trương, biện pháp cụ thể và linh hoạt trong công tác phòng chống dịch. Báo chí, truyền thông đóng vai trò lớn trong việc định hướng dư luận, thúc đẩy đồng thuận xã hội và tăng cường niềm tin của người dân về vai trò quan trọng của tiêm chủng vaccine nói riêng và cuộc chiến phòng chống dịch nói chung. Từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Trang Nhung thực hiện



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE