You are here

Phương án thi phù hợp với chương trình dạy học mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 để lấy ý kiến rộng rãi đến ngày 17-5-2025. Nhận định đây là phương án phù hợp với cách thiết kế môn học của chương trình mới, nhiều ý kiến đưa ra một số băn khoăn và đề xuất nội dung góp ý cho dự thảo.

Đề thi theo hướng đánh giá năng lực

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Thí sinh sẽ dự thi 6 môn học, trong đó 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả môn học được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, hơn là kiểm tra kiến thức. Trong giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính với những môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Giai đoạn sau năm 2030 phấn đấu đến khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm.

Cô trò Trường THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong giờ học Lịch sử. 

Cho rằng phương án thi được xây dựng từ thực tiễn tổ chức thi của Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Việc xác định các môn thi bắt buộc và lựa chọn là cải tiến lớn và phù hợp. Với kinh nghiệm tổ chức cho học sinh lựa chọn một số môn thi tốt nghiệp THPT ở năm 2014 là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công phương án chọn môn thi gồm các môn bắt buộc và môn lựa chọn từ năm 2025. Phương án này vừa phù hợp với cách thiết kế môn học và định hướng nghề nghiệp từ sớm của Chương trình GDPT năm 2018. Phương án còn thể hiện độ mở của kỳ thi. Đặc biệt, chủ trương đưa môn Tin học, Công nghệ vào nhóm môn để học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp sẽ giúp người dạy và người học quan tâm hơn đến những lĩnh vực quan trọng này”.

Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Môn Lịch sử là môn thi bắt buộc nên nhà trường, học sinh sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư đúng mức góp phần nâng chất lượng môn học này trong trường phổ thông, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của xã hội về vị trí, vai trò của môn Lịch sử. Việc tất cả môn thi được xây dựng ngân hàng câu hỏi mới theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực sẽ tạo động lực để giáo viên và học sinh mạnh dạn hơn trong truyền đạt, tiếp thu kiến thức một cách sáng tạo, chủ động, linh hoạt, không nặng kiến thức hàn lâm như hiện tại”.

Băn khoăn về việc tổ chức thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam cho hay: “Theo phương án dự kiến học sinh phải lựa chọn thi 2 trong số 7 môn đã chọn học. Đây là khó khăn không nhỏ cho việc sắp xếp hai môn tự chọn và tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh. Lần đầu tiên có phương án thi tốt nghiệp cho nhiều môn mới. Các môn học này chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm tổ chức học và thi nên ngân hàng câu hỏi, đề thi sẽ chưa thật nhiều. Đây là thách thức cho việc chuẩn bị ngân hàng đề thi có tới gần 20 bộ đề thi khác nhau trong thời gian hai năm. Tôi đề xuất có 4 bài thi, trong đó 3 môn thi bắt buộc và 1 bài thi tích hợp của các môn trong nhóm môn khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Các môn học tích hợp của hai nhóm môn này cũng sẽ được quy định lại".

Cần hạn chế áp lực cho học sinh

Việc Bộ GDĐT dự kiến đưa thêm môn Lịch sử vào các môn bắt buộc nhận được nhiều sự đồng tình, với mong muốn các em nhận thức rõ vai trò quan trọng của môn Lịch sử, không lơ là với môn học này như thời gian qua. Tuy nhiên, khi thi nhiều môn bắt buộc sẽ khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài, làm quá tải cho học sinh. Dẫn chứng về kỳ thi đánh giá năng lực mà hai đại học quốc gia đã thực hiện rất tốt thời gian qua, thí sinh chỉ cần làm một bài thi tổng hợp, thực hiện trong một buổi mà vẫn có thể dùng kết quả đó để xét tuyển đại học, nhiều ý kiến đề xuất chỉ cần một bài thi tổng hợp mà không cần phân môn. Đối với môn thi Ngoại ngữ, Tin học có thể thay thế bằng các chứng chỉ theo quy chuẩn, với bậc THPT thì tiếng Anh A2 hay B1 là phù hợp... sao cho kỳ thi gọn nhẹ, đúng mục đích và giảm áp lực.

Theo quan điểm của thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, Bộ GDĐT cần có phương án song hành giữa thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Nếu học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì chỉ cần thi 4 môn bắt buộc. Học sinh nào cần xét tuyển đại học thì đăng ký thêm 2 hoặc 3 trong số 4 môn tổ hợp lựa chọn. Như vậy, học sinh vừa được giảm tải, vừa giúp phân luồng rõ rệt hơn.

Với tâm trạng vừa mừng, vừa lo, em Vũ Minh Hiển, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Dù cảm thấy khá áp lực khi Lịch sử là môn thi bắt buộc nhưng với cách tiếp cận mới, kiến thức lịch sử không còn phải học thuộc, ghi nhớ như trước mà có tính liên ngành, liên hệ thực tế cao, thiên về tư duy. Học sinh có thể ghi nhớ và áp dụng luôn ngay sau mỗi bài học, không phải đợi đến lúc thi mới học”. Nói thêm về vấn đề này, cô Cẩm Thị Thu Trang, Tổ trưởng tổ chuyên môn môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hạ Long cho rằng, việc học bao giờ cũng có áp lực, thi cử cũng tạo động lực trở lại với việc học. Trước khi có dự thảo, môn Lịch sử đang là môn học bắt buộc, là môn thi thành phần trong tổ hợp các môn khoa học xã hội nên đây không phải là áp lực quá lớn với học trò. Tuy nhiên, giáo viên phải nỗ lực thay đổi phương pháp, cập nhật những nội dung giảng dạy để học trò tiếp cận môn học theo hướng yêu thích, chứ không phải vì thi mà học.

Bài và ảnh: THU HÀ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE