You are here

Dạy bơi trong trường học: Vẫn còn mông lung

Chỉ trong quý I năm nay, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em tại một số địa phương. Điều này đặt ra cho ngành giáo dục yêu cầu bức thiết về việc dạy bơi cho trẻ tại trường học cần được tăng cường hơn nữa, nhất là trong thời điểm mùa hè sắp đến. 

 

Để phòng tránh tai nạn thương tích từ đuối nước, ngoài việc học bơi, trẻ cần học cả các kỹ năng khác.

Xã hội hóa để khắc phục khó khăn

Không phải đến bây giờ vấn đề dạy bơi cho trẻ nói chung và dạy bơi trong trường học nói riêng mới được đặt ra riết róng. Từ những năm 2010, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các Sở GDĐT về việc triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu được đưa ra là chậm nhất đến năm học 2014 - 2015, các sở GDĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng hình thức phù hợp. 

Tuy nhiên, với khó khăn chồng chất về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu giáo viên đạt chuẩn, thiếu nguồn kinh phí duy trì, bảo trì bể bơi thường xuyên… nên đề án dạy bơi trong trường học chủ yếu vẫn dừng lại ở việc thí điểm ở một số trường. Cụ thể, do đặc thù thời tiết nên ở miền Bắc, việc dạy bơi chỉ có thể tiến hành từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10, thời gian còn lại bể không hoạt động, rất tốn kém cho việc bảo trì, bảo dưỡng bể bơi và nguy cơ mất an toàn cho trẻ cao.

Hơn nữa, việc dạy bơi cho học sinh phải dành riêng một buổi sáng hoặc chiều, chia thành các nhóm nhỏ, không thể dạy cả lớp cùng lúc và gói gọn trong một tiết học như các môn học khác. Trong khi đó, kinh phí xây dựng một bể bơi là không nhỏ. Để bể bơi hoạt động được, cũng cần nhiều yêu cầu như: Người quản lý bể bơi phải có kiến thức chuyên môn để xử lý vệ sinh bể bơi tốt tránh tình trạng rêu bám thành bể và nguồn nước ô nhiễm. Cần có thêm nhân lực giám sát sự an toàn của trẻ nếu có đông học sinh tham gia bơi và học bơi… Nên đa số các trường đều nhận thấy sự cần thiết của việc dạy bơi, nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được.. 

Ngay tại Hà Nội, việc phổ cập bơi được cho học sinh tiểu học vẫn là một thách thức lớn khi quỹ đất dành cho nhà trường ở một số khu vực còn đang khó khăn. Tình trạng thiếu phòng học, thiếu sân chơi… nhất là ở các trường khu vực nội đô đã được đề cập nhiều thời gian qua nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Đơn cử như một số huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín…  đã xây dựng kế hoạch nhưng việc thực hiện chưa khả thi do chưa chưa xây dựng được bể bơi…

Một giải pháp được triển khai là được đánh giá là mang tính khả thi là lắp đặt bể bơi thông minh trong các nhà trường, như: Nam Từ Liêm (15 bể), Thanh Xuân (11 bể), Đông Anh (9 bể), Tây Hồ (11 bể), Hoàng Mai (13 bể), Hà Đông (7 bể), các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa đều có từ 4- 6 bể... Ưu điểm của giải pháp này là bể có thể được lắp đặt tại nhà thể chất hoặc sân trường, sau khi khóa học bơi hè kết thúc có thể tháo dỡ, bảo quản và trả lại hiện trạng cho nhà trường.

Hay một giải pháp khác được đặt ra là phối hợp giữa nhà trường và các đơn vị có sẵn điều kiện để dạy bơi cho trẻ. Như tại quận Cầu Giấy- Hà Nội, Phòng GDĐT phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao dạy miễn phí cho học sinh hè năm 2017, 2018… Tại thị xã Sơn Tây, mỗi khi vào dịp hè bể bơi Trung tâm thể dục thể thao thị xã đều mở các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh bằng nguồn kinh phí của địa phương và kinh phí hỗ trợ của ngành văn hóa, thể thao. 

Qua đó cho thấy kinh nghiệm để có thể triển khai để án dạy bơi trong trường học không thể chỉ một mình ngành giáo dục nỗ lực mà đòi hỏi sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả phụ huynh nhằm trang bị kỹ năng bơi lội nói riêng và kỹ năng phòng chống đuối nước nói chung cho trẻ em. 

Còn tùy điều kiện thực tế 

Tuy nhiên, giải pháp này ở các vùng nông thôn khi đời sống người dân còn khó khăn thì việc huy động xã hội hóa để xây dựng bể bơi trong trường học là khó khả thi. Các bể bơi tư nhân cũng không có nhiều và nếu có, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con đi học bơi. Một giải pháp tạm thời được một số địa phương áp dụng đó là tận dụng những khúc sông suối an toàn và có độ sâu vừa phải để phục vụ việc dạy bơi cho trẻ. Các thầy giáo, đoàn viên thanh niên sẽ dạy cho trẻ kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống thường gặp… Những lớp học bơi di động này sẽ phần nào chia sẻ áp lực với ngành giáo dục trong việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước vốn rất cần thiết cho trẻ em ở bất cứ nơi đâu. 

Trở lại với ngành giáo dục, tới đây trong chương trình GDPT mới, môn bơi lội sẽ được đưa vào chương trình chính khóa không chỉ ở bậc tiểu học mà ở các bậc THCS, THPT và cả CĐ, ĐH. Đây sẽ là một trong số những môn học tự chọn, với hình thức đánh giá chủ yếu thông qua sự nỗ lực của chính các em chứ không phải là kết quả, thành tích đạt được.

Đối với ý kiến đề xuất đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh- sinh viên (Bộ GDĐT) Ngũ Duy Anh cho rằng, căn cứ trên thực tế hiện nay, nếu áp dụng môn bơi vào giảng dạy chính sẽ phải tùy thuộc điều kiện từng trường. Tuy nhiên, để phòng tránh tai nạn thương tích từ đuối nước thì ngoài việc dạy trẻ biết bơi, cần học cả các kỹ năng khác nữa. Bởi từ thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở cả người lớn và trẻ em mà trong đó nạn nhân cũng biết bơi. Do tâm lý chủ quan và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn chưa tốt, chưa đủ bình tĩnh… nên xảy ra sự cố đáng tiếc. 

Vì vậy, việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em và mọi người nói chung, trang bị cho học sinh kỹ năng ứng phó và sơ cứu đuối nước; học kỹ năng an toàn trong môi trường nước… là điều cần được quan tâm. Bên cạnh trách nhiệm của ngành giáo dục, cần nâng cao vai trò của địa phương, các tổ chức đoàn hội… trong việc rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm… 

Tại hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất, thể thao trong trường học do Bộ GDĐT tổ chức đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng khó khăn về cơ sở vật chất thiết bị, sân chơi, bãi tập phục vụ cho việc dạy và học giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường là vấn đề khó, cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường.

Theo Đại Đoàn Kết

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE