You are here

Vun đắp nghĩa tình biên giới Việt Nam-Campuchia: Thân thiện, nghĩa tình bền lâu

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ ấy đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu và trở thành tài sản chung vô giá, thiêng liêng và bền vững của hai dân tộc.

Bộ đội biên phòng Bình Phước và lãnh đạo tỉnh Kratie tặng học bổng cho học sinh khó khăn tại huyện Snoul, Campuchia (Ảnh: Nhất Sơn).

 

Bài 1: Thân thiện, nghĩa tình bền lâu

 

Với đường biên giới kéo dài hơn 632km, những năm qua, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhất là Bình Phước, Tây Ninh và Long An luôn thực hiện tốt quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh biên giới thuộc Vương quốc Campuchia. Nhờ mối quan hệ thân thiết đó, nhân dân khu vực biên giới hai nước đã có điều kiện để hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

 

Các hoạt động kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giao lưu giữ gìn bản sắc văn hóa đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, xây dựng một dải biên cương ngày càng vững vàng, phát triển.

 

Tương thân, tương ái

 

Bác sĩ trạm y tế quân dân y hữu nghị Việt Nam-Campuchia, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, khám bệnh cho người dân Campuchia (Ảnh: Nhất Sơn).

 

 

Trong những năm qua, bộ đội biên phòng nói chung, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An nói riêng đã thực hiện nhiều chính sách dân vận; trong đó, có chương trình con nuôi đồn biên phòng, trao bò giống tặng các hộ dân còn khó khăn vùng biên giới của hai nước Việt Nam-Campuchia..., từ đó đã kịp thời giúp người dân sớm vươn lên thoát nghèo; các em học sinh có điều kiện đến trường. Tại Bình Phước, xuất phát từ truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong những năm qua lực lượng biên phòng tỉnh đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân.

 

Hằng năm, ngoài việc khám, chữa bệnh, tặng quà nhân dân các xã hai bên biên giới; thực hiện chương trình nâng bước em đến trường, Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã hỗ trợ 70 học sinh nghèo hiếu học, trong đó có 11 học sinh Campuchia. Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu kết nghĩa tại các cụm dân cư, cũng như các hoạt động hỗ trợ, giúp người dân hai bên biên giới phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, chỉ khi đời sống của người dân ổn định, phát triển thì mới có thể xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

 

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đến thăm hỏi, trao 10 con bò giống và 50 suất học bổng tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và một số hộ nghèo huyện Snoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022.

 

Ông Bombun, người dân huyện Snoul phấn khởi nói: “Tôi năm nay đã 72 tuổi, gia đình tôi ít ruộng vườn cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Hôm nay, được bộ đội Việt Nam tặng bò giống tôi vui lắm. Tôi không biết nói gì hơn ngoài hai từ cảm ơn. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi làm sao để bò phát triển tốt”. Em Vonva, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn huyện Snoul, cũng rất vui mừng khi được nhận học bổng do các chú bộ đội Việt Nam trao tặng. Vonva cho biết: Bố mẹ làm thuê, nhà đông anh chị em cho nên rất khó khăn. Được nhận học bổng em vui lắm, em sẽ sử dụng số tiền này để mua dụng cụ học tập cho bản thân và em trai.

 

Ông Tuy Bunsereyrathmony, Tỉnh trưởng tỉnh Kratie cho biết: “Chăm lo đời sống cho người dân hai bên biên giới là việc làm thường xuyên được chính quyền địa phương hai quốc gia đặc biệt quan tâm. Việc trao tặng bò và học bổng có ý nghĩa rất quan trọng, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tập và người dân nghèo có bò giống để phát triển kinh tế... Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp để chăm lo đời sống người dân, tạo mối quan hệ đoàn kết giữa hai bên biên giới”.

 

Tỉnh Long An có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia dài hơn 134 km. Để vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Svay Rieng và tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia, tỉnh Long An đã dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời, triển khai các chương trình kết nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giao lưu văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó đã thực sự góp phần thay đổi đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, xây dựng một dải biên cương ngày càng vững vàng, phát triển. Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã triển khai chương trình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới; từ đó, nhân dân hai bên biên giới có thêm điều kiện gần nhau hơn thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa.

 

Sáng tinh mơ ngày 2/7/2022, Thiếu tá Lê Thị Cẩm Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Biên phòng Tây Ninh đã có mặt tại hai xã biên giới thuộc loại khó khăn nhất Campuchia là Chănnum và Ruông (thuộc huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum) giáp ranh với tỉnh Tây Ninh để trao tặng chị em nghèo Khmer nơi đây 450 phần quà. Đây là tấm lòng của hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh và những người lính nữ mang quân hàm xanh quyên góp, trao tặng hằng năm nhân sự kiện hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, sự gắn bó của hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc.

 

Có mặt tại sự kiện hằng năm này sau gần hai năm phải tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, Đại úy Cao Hải Bằng (Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) xúc động ghi lại nhiều hình ảnh đẹp, bởi đây không chỉ là ngoại giao, là đối ngoại mà còn là tình nghĩa, tình người giữa phụ nữ hai bên, vốn luôn có lòng bao dung, nhân hậu, sẻ chia.

 

Nhân dân hai biên giới là anh em

 

Thực tế cho thấy, xây dựng tuyến biên giới hữu nghị dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước sẽ là trợ lực quan trọng giúp lực lượng biên phòng và chính quyền hai bên trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh với các hoạt động vượt biên, buôn lậu, gian lận thương mại và các tệ nạn, tội phạm nguy hiểm khác. Cùng với mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, việc kết nghĩa giữa các cụm bản dân cư hai bên biên giới đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; đồng thời, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Campuchia ngày càng bền chặt.

 

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết: Triển khai chương trình giao lưu hữu nghị khu dân cư hai bên biên giới, đến nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã tổ chức kết nghĩa được bảy cụm dân cư hai bên biên giới. Nhìn chung, người dân rất phấn khởi, tuyến biên giới giữa hai tỉnh, hai nước được bảo vệ ngày càng tốt hơn và thật sự trở thành tuyến biên giới nghĩa tình, biên giới hữu nghị, được duy trì và vun đắp trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh và phum Cooc Tho Mo, thuộc xã Tuần Lung, huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia là một trong những đơn vị thực hiện chương trình giao lưu hữu nghị và kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới sớm nhất. Trong tâm khảm người dân nơi đây, từ lâu họ đã là anh em một nhà.

 

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình giao lưu hữu nghị cụm dân cư hai bên biên giới giữa người dân ấp Vườn Bưởi và phum Cooc Tho Mo vừa diễn ra hồi tháng 5/2022, điều chúng tôi ghi nhận được là sự gần gũi, chân tình của người dân nơi đây. Cao hơn nữa là nhận thức của người dân sinh sống hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, về quốc gia, mốc biên giới, cũng như các quy định của pháp luật về quy chế quản lý biên giới được nâng lên rõ rệt; tình trạng vi phạm quy chế biên giới, buôn lậu giảm nhiều so với trước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn hai bên được giữ vững. Nhân dân phấn khởi vì được tạo điều kiện để giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau; hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm sản xuất được thuận lợi, đời sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

 

Tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, ngoài việc ký kết văn bản hợp tác, kết nghĩa các khu dân cư và các lực lượng bảo vệ biên giới, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với các hình thức ngoại giao trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế. Lãnh đạo các bên cũng thường xuyên gửi thư thăm hỏi, chia sẻ về tình hình dịch bệnh, ủng hộ lẫn nhau trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch.

 

Cụ thể, tại tỉnh Long An, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân các tỉnh bạn trong chống dịch Covid-19 bằng tiền mặt, thiết bị, vật tư y tế như: khẩu trang các loại, dung dịch sát khuẩn, xà-phòng, nước rửa tay, hóa chất Cloramin B; các loại nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ 1.000 lít thuốc sát trùng phòng, chống dịch lở mồm long móng ở trâu, bò. Trong mấy năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đã vận động được nhiều nguồn lực hỗ trợ nhân dân Campuchia, như: giúp hom cây mì giống, tặng quà cho các hộ dân nghèo; hỗ trợ sửa chữa đường; đưa nông dân Việt Nam sang hỗ trợ nông dân nước bạn kinh nghiệm sản xuất, chọn lúa giống, phân bón, cách bảo quản nông sản; tổ chức các đợt giao lưu, thăm hỏi, trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi lợn, cách trị bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò...

 

Về cộng đồng người Campuchia tại Long An, hiện có gần 100 công dân đang sinh sống, làm việc tại các huyện có khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Tỉnh Long An đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho công dân Campuchia làm ăn, sinh sống hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, các công dân có điều kiện khó khăn cũng được các địa phương hỗ trợ kịp thời việc tiêm ngừa vắc-xin cùng công dân Long An. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Long An đã hỗ trợ kinh phí để giúp chính quyền, lực lượng vũ trang, các cơ quan chức năng và người dân Campuchia trong công tác bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

 

(Còn nữa)

 

Nhóm phóng viên thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

 



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE