You are here
Thủ tướng Anh trong 'tâm bão' Brexit
Về lý thuyết, hôm nay, 9/9, một dự luật ngăn chặn Brexit không thoả thuận chính thức có hiệu lực. Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Boris Johnson sẽ lại tiếp tục yêu cầu Hạ viện Anh bỏ phiếu lần nữa về việc tổ chức tuyển cử sớm vào ngày 15/10. Và như thế, nếu vào ngày 9/9, các nghị sĩ Anh chấp nhận tuyển cử sớm vào ngày 15/10 thì tất cả diễn biến của Brexit sẽ phụ thuộc vào cuộc tuyển cử đó.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đau đầu vì Brexit. Ảnh: EPA-EFE.
“Thà chết trong mương nước”
Chính trường nước Anh bị cho là “rối bời” nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Mà trung tâm của sự “rối bời” đó chính là Thủ tướng Boris Johnson.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Norwich, Anh hôm thứ Bảy (7/9), lãnh đạo đảng Lao động (Anh) cho biết: “Hiện tại chúng ta đang ở vị trí khá cực đoan khi Thủ tướng nói rằng ông ta vượt lên trên luật pháp. Trong khi điều tốt nhất có thể làm là ông ta tuân thủ quyết định của Quốc hội, với dự luật ngăn chặn sự cố ngày 31/10 (thời hạn chót Anh rời khỏi EU) và gia hạn 3 tháng để có những cuộc đàm phán hợp lý với Liên minh châu Âu”.
Tình hình căng thẳng hơn khi Lord MacDonald- cựu lãnh đạo công tố, cho biết nếu ông Johnson từ chối yêu cầu gia hạn Brexit, ông có thể phải ra tòa và vào tù. “Bộ trưởng tư pháp sẽ không ngồi yên khi chuyện đó xảy ra”- ông L.MacDonadl nói.
Còn chính trị gia Adam Tomkins- cựu giáo sư luật, nói ông Johnson nên từ chức. “Bất kể chúng ta nghĩ gì về Brexit, hay Thủ tướng, chắc chắn tất cả chúng ta đều đồng ý một nguyên tắc cơ bản: Chính phủ buộc phải tuân thủ luật pháp. Khi mà luật pháp buộc Thủ tướng phải hành động theo một cách nhất định, và nếu Thủ tướng từ chối điều đó thì ông ta chỉ có một lựa chọn: Từ chức! “.
Theo The Telegraph, ông Johnson đã viết thư cho thành viên đảng Bảo thủ và tuyên bố sẽ không tuân theo bất kỳ điều luật nào yêu cầu ông gia hạn Brexit (thêm 3 tháng). “Họ vừa thông qua một đạo luật buộc tôi phải cầu xin Brussels gia hạn Brexit. Đây là điều tôi sẽ không bao giờ làm”- ông viết. Trước đó, sau bài phát biểu tại Wakefield (ngày 5/9), ông Johnson nói rằng “thà chết trong mương nước” còn hơn là yêu cầu gia hạn từ EU.
Như vậy là bất chấp động thái cứng rắn từ Hạ viện, ông B.Johnson vẫn khẳng định không lùi thêm Brexit sau thời hạn. “Tôi thà chết dưới mương hơn là phải đề nghị EU hoãn Brexit. Chúng ta phải ra khỏi EU vào ngày 31/10”. Bài phát biểu này từng được dự định sẽ là bước đầu tiên của chiến dịch bầu cử trước khi các nghị sỹ bác bỏ đề xuất tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới của ông Johnson. Dự luật mà Hạ viện Anh thông qua được cho là đã thành công trong việc “trói tay” Thủ tướng Anh và trao cho EU nhiều lợi thế trong đàm phán thỏa thuận Brexit.
Cũng cần nhắc lại, EU từng nhấn mạnh sẽ không đàm phán lại thỏa thuận mà Liên minh đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11/2018 sau hơn 2 năm thương lượng.
Thất bại kép và số phận của ông Boris Johnson
Suốt hơn 1 tháng qua, “tâm bão” xoáy mạnh vào ông B. Johnson. Tân Thủ tướng nước Anh đã buộc phải nhận “thất bại kép”: Hạ viện thông qua dự luật có thể buộc Thủ tướng phải trì hoãn tiến trình Brexit 3 tháng; đồng thời bác bỏ đề xuất tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới của ông Johnson.
Những động thái này dự báo tiến trình Brexit sẽ còn đối mặt với nhiều khúc quanh mới và đời sống chính trị nước Anh sẽ có nhiều thay đổi. Sự chia rẽ mà Brexit mang đến cho nước Anh đang tiến lên các nấc thang mới. Đáng chú ý, đó là sự rạn nứt và đổ vỡ trong nội bộ đảng Bảo thủ khi mà một nhóm nghị sĩ của đảng này, gồm 21 người, đã đứng về phe đối lập để bỏ phiếu chống lại Chính phủ của đảng mình.
Trong số 21 người này, có những nghị sĩ rất được kính trọng. Nổi bật là ông Ken Clarke, người được coi là “cha già” của Nghị viện Anh vì ông là nghị sĩ có nhiệm kỳ lâu nhất tại Nghị viện Anh, từ năm 1970 đến nay. Hay là nghị sĩ Nicholas Soames, năm nay 71 tuổi, là cháu ngoại của Thủ tướng huyền thoại của nước Anh là Winston Churchill, người đã dẫn dắt nước Anh chiến thắng trong Thế chiến II. Bản thân ông Soames cũng là nghị sĩ suốt 36 năm qua và từng cựu Bộ trưởng Quốc phòng.
Nhưng không chỉ đảng Bảo thủ hứng chịu sự đổ vỡ trong nội bộ, những gì đang diễn ra trên chính trường Anh là một sự bế tắc toàn diện của rất nhiều nhân tố. Nghị viện Anh trong hơn 3 năm qua đã bỏ phiếu chống lại tất cả mọi thứ: Chống lại thoả thuận Brexit của bà Theresa May, chống lại Brexit không thoả thuận, chống lại mọi kịch bản thay thế, và giờ chống lại cả việc tuyển cử sớm.
Và như thế, số phận của ông B.Johnson cũng không khác gì người tiền nhiệm- bà Theresa May: Phụ thuộc vào Brexit theo một cách nào đó.
Theo Đại Đoàn Kết