You are here

Kinh tế toàn cầu đối mặt rủi ro suy thoái

Theo cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo tờ The Wall Street Journal, trong tuần qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3%-3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm-mức độ mà Chủ tịch FED Jerome Powell gọi là “cao bất thường”. Biên độ 3%-3,25% cũng là lãi suất cao nhất của FED tính từ tháng 1-2008.

FED cũng phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên 4,4% trước cuối năm nay, trước khi đạt mức đỉnh 4,6% vào năm 2023 để chống lạm phát. Không chỉ riêng Mỹ, các ngân hàng trung ương của nhiều nước, trong đó có Indonesia, Na Uy, Phillipines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh cũng đồng loạt thông báo về việc tăng lãi suất.

Trụ sở FED tại Washington, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất trong năm nay và một nửa trong số đó tăng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần. Nhiều ngân hàng hơn một lần tăng lãi suất ở mức này.

Tất cả đã tạo ra “một cuộc đua nâng lãi suất” theo cách gọi của nhà kinh tế trưởng Ethan Harris tại Bank of America. Giờ đây, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang được thực hiện một cách mạnh mẽ nhất trong vòng 15 năm qua. Điều này cũng đánh dấu sự đảo chiều sau kỷ nguyên lãi suất thấp khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trên thực tế, cuộc chiến chống lạm phát đang là thách thức của hầu hết các nước. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương đã quyết tâm đánh bại lạm phát dù cái giá phải trả có thể là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Chủ tịch FED Powell cảnh báo, việc chống lại lạm phát có thể mang tới “một số đau đớn” đối với nền kinh tế Mỹ, khi lãi suất cao hơn khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn, chi phí vay mượn đắt đỏ hơn và có thể dẫn tới làn sóng giảm nhân sự.

Ông Powell bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, FED sẵn sàng chấp nhận một số tình trạng không lấy làm dễ chịu của nền kinh tế để chấm dứt tình trạng giá cả tăng và lạm phát cao. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác cũng đã sẵn sàng cho kịch bản tương tự.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng lãi suất trên diện rộng, song thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Việc tăng lãi suất ở nước phát triển sẽ luôn tác động đến các nước có thu nhập thấp và có thể thắt chặt những điều kiện tài chính bên ngoài đối với những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng, lãi suất càng tăng cao để chống lạm phát thì rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm sẽ càng lớn. Cựu chuyên gia kinh tế Maurice Obstfeld của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, việc các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất sẽ gây nguy hiểm khi chính sách tiền tệ của ngân hàng sẽ tác động lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền.

Trong bối cảnh có nhiều trở ngại do đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ giảm xuống khoảng 1%.

Theo WB, việc ngân hàng trung ương các nước đưa ra những biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết. Tuy nhiên, động thái này khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn.

Do đó, các nước cần tham khảo cách thức các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987 để có thể đưa ra sự phối hợp nhằm giảm các rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Chủ tịch WB David Malpass nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại đáng kể và có thể chậm hơn nữa khi nhiều nước rơi vào suy thoái. Ông cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Do đó, Chủ tịch WB thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm sang thúc đẩy sản xuất thay vì giảm tiêu dùng thông qua tăng lãi suất. 

LÂM ANH



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE