You are here

Nhiều bất cập trong cung ứng thuốc BHYT

Hiện nay ở Việt Nam đa số người dân đã có ý thức tự nguyện mua bảo hiểm y tế (BHYT) trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tính đến hết tháng 10/2019, số người tham gia BHYT đã đạt trên 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại cần được khắc phục kịp thời, trong đó có việc cung ứng thuốc điều trị khám chữa bệnh (KCB).

Lĩnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Hải Linh

Thiếu thuốc BHYT do chưa dự trù sát thực tế

Thời gian qua người dân tiếp tục phản ánh việc thiếu thuốc BHYT tại các trạm y tế, kể cả tuyến huyện. Thay vì bệnh nhân được lĩnh thuốc BHYT, nhưng do bệnh viện bị thiếu thuốc nên bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra mua.

Một lãnh đạo bệnh viện cho biết, đúng là cũng có tình trạng trên và các bác sĩ ở khoa khám bệnh của bệnh viện phải cập nhật những loại thuốc đã hết, xem có thể kê toa cho bệnh nhân một loại thuốc thay thế khác hay không. Nhưng nếu bệnh nhân không đồng ý thì phải kê toa đúng loại thuốc mà bệnh nhân thường sử dụng để cho họ ra ngoài mua.

Về nguyên nhân, khách quan do công tác đấu thầu thuốc bị chậm tiến độ. Mặt khác, một vài đơn vị trúng thầu chưa cung ứng đủ số lượng thuốc do hệ thống dây chuyền sản xuất gặp sự cố hoặc dược liệu khan hiếm, chưa nhập về nước kịp thời. Về nguyên nhân chủ quan, vị này thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đấu thầu thuốc, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở KCB. Từ đó, một số cơ sở KCB chưa thực hiện dự trù thuốc sát thực tế dẫn đến tình trạng thiếu thuốc phục vụ điều trị KCB bằng BHYT.

Ứng dụng công nghệ trong xây dựng chính sách thuốc BHYT

Mới đây, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4179/BHXH-DVT yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng đủ, kịp thời thuốc điều trị cho người bệnh BHYT.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đề nghị việc ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt ứng dụng đánh giá kinh tế dược trong xây dựng danh mục thuốc BHYT. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì đánh giá công nghệ y tế, cần được đẩy mạnh và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế. Điều này cũng để đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Theo số liệu thống kê, thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi BHYT, theo đó, năm 2010 chi phí KCB BHYT hơn 18,6 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phí thuốc BHYT chiếm 61,60%; năm 2016 chi phí KCB BHYT tăng lên 76,34 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc chiếm 41% và năm 2017 chi phí KCB là 97,1 nghìn tỷ đồng thì chi phí thuốc BHYT chiếm 34%...

Đánh giá công nghệ y tế chính là công cụ để quyết định trong việc xây dựng Danh mục thuốc BHYT và phương thức, tỷ lệ chi trả cho thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế sẽ không còn mang tính khuyến khích mà chắc chắn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, để có những bước thay đổi, đột phá trong xây dựng chính sách y tế, xây dựng gói quyền lợi BHYT, đặc biệt chính sách thuốc BHYT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn tình trạng một số nhà cung ứng không cung cấp đủ hàng, chủ yếu là thuốc nhập khẩu hoặc thay đổi về số đăng ký, hạn dùng so với thuốc đã trúng thầu gây khó khăn cho việc cung ứng thuốc tại bệnh viện. “Đặc biệt đối với một số thuốc chuyên khoa đặc trị, khi thực hiện đấu thầu tập trung không có nhà thầu tham dự, dẫn đến các cơ sở KCB gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thuốc cho điều trị" - báo cáo của Bộ Y tế cho hay.

Theo Kinh tế & Đô thị



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE