You are here

Cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh

Sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn của nền y học, giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam.

Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. 

Kháng kháng sinh đang là vấn đề nghiêm trọng 

Tại Hội thảo “Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, các chuyên gia dịch tễ khẳng định, thuốc kháng sinh là vũ khí tuyệt vời do con người tạo ra để chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn, nhưng tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. TS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, bệnh nhân còn phải đối mặt với khả năng một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.

Theo WHO, kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng nên nếu không nỗ lực để giải quyết vấn đề này sẽ tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Chính vì vậy, cần xem xét lại và nỗ lực giải quyết vấn đề kháng thuốc. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện cách tiếp cận "Một sức khỏe"-tập hợp các ngành và các bên liên quan trong nỗ lực hợp tác để giải quyết gốc rễ của các vấn đề, trong đó có tình trạng kháng kháng sinh. "WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu trong tương lai. Kháng sinh là một trong những khám phá quan trọng nhất của nhân loại, do đó chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ chúng. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải cùng nhau ngăn chặn kháng kháng sinh", TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Chỉ nên sử dụng cho động vật khi thực sự cần thiết

Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong khu vực phòng, chống kháng kháng sinh. Bắt đầu từ năm 2013, Bộ Y tế đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh nhằm kêu gọi sự hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăn nuôi thủy-hải sản, thú y cùng hành động để sử dụng kháng sinh hợp lý và dần cải thiện tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh. Để quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả, đặc biệt các tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng đòi hỏi cần nhiều nguồn lực và sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều bên, hợp tác công-tư trong quản lý sử dụng kháng sinh được xem là cách hiệu quả để chung tay quản lý, giảm thiểu sự gia tăng kháng kháng sinh trong y tế cũng như chăn nuôi.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sử dụng kháng sinh sai cách trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt là một mối quan tâm lớn, do nguy cơ xuất hiện và lây lan của các vi sinh vật kháng kháng sinh. Trong hai năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy định nhằm loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi một cách không cần thiết, như dùng kháng sinh cho mục đích phòng bệnh. Người nông dân cũng được yêu cầu phải có đơn thuốc thú y để được sử dụng một số loại kháng sinh. Tại lễ phát động “Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu” mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Năm nay, chúng tôi một lần nữa kêu gọi người chăn nuôi tham khảo ý kiến của các chuyên gia thú y và chủ cửa hàng thuốc thú y trước khi sử dụng kháng sinh. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng cho động vật khi thực sự cần thiết’.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cũng cho rằng, kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu. Các vi sinh vật và gene kháng thuốc không phân biệt ranh giới địa lý hoặc vùng sinh thái. Tính kháng thuốc phát sinh ở một vị trí địa lý hoặc một loài có thể dễ dàng lây lan sang các vị trí địa lý khác thông qua sự di chuyển của thức ăn, nguồn nước, động vật và con người. FAO đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để bảo đảm phổ biến đầy đủ các quy định mới về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như giám sát sự hiện diện của các vi sinh vật kháng kháng sinh trên động vật và thực phẩm. Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam khuyến khích việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi, điều này sẽ giúp giữ môi trường và thực phẩm không có dư lượng kháng sinh và vi sinh vật kháng kháng sinh.

Bài và ảnh: HÀ VŨ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE