You are here

Cốt lõi là xây dựng con người văn hóa

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về xây dựng Không gian văn hóa (KGVH) Hồ Chí Minh, đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã ra mắt KGVH Hồ Chí Minh, bảo đảm chất lượng, đúng tiến trình giai đoạn 1.

Các mục tiêu, chuẩn mực của KGVH Hồ Chí Minh đang từng bước hình thành; trong đó yếu tố thiết thực và xây dựng con người văn hóa được nhấn mạnh.

Nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực

Một trong những kết quả nổi bật trong việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh là nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã ra mắt KGVH Hồ Chí Minh với sự đa dạng, sáng tạo, sát thực tế. Không gian ấy được bố trí ở nơi trang trọng, thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham quan, tìm hiểu, học tập và làm theo gương Bác. Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, khu phố... thực sự là một KGVH Hồ Chí Minh thu nhỏ. Điển hình là việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh ở trụ sở cơ quan công quyền, trong trường học, cơ sở tôn giáo, công viên, bệnh viện... Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa những câu nói, lời dạy của Bác Hồ lên các bảng treo tại trụ sở, phòng làm việc, phòng tiếp dân để nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách sống và làm việc theo gương Bác.

Tìm hiểu tư liệu, hình ảnh tích hợp trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phường 7, quận Bình Thạnh. 

Nhìn nhận vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Thị Bích (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng: Tùy theo đặc điểm, khả năng, mỗi địa phương có một cách triển khai xây dựng KGVH Hồ Chí Minh khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú về hình thức nhưng nội dung đều bám sát chủ đề, bảo đảm chất lượng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Chẳng hạn, quận 7 đã tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Bình Thuận với nhiều hạng mục, bổ sung những hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Quận 6 thực hiện mô hình “Đưa thư viện điện tử đến với bạn đọc” nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quận Tân Bình đã có 48/50 đơn vị xây dựng KGVH Hồ Chí Minh, trưng bày hàng nghìn đầu sách, tích hợp phần mềm điện tử giới thiệu sách; làm phim, phóng sự để quảng bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân. Một số địa phương tổ chức hội thi, tọa đàm giải pháp xây dựng KGVH Hồ Chí Minh...

Các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp, trường học... trên địa bàn thành phố cũng ra mắt KGVH Hồ Chí Minh, trưng bày các ấn phẩm văn hóa, tư liệu, hình ảnh như một bảo tàng thu nhỏ. Nhiều cơ quan, đơn vị còn lựa chọn những phần việc cụ thể “làm theo Bác” để lo cho dân, hỗ trợ thanh niên, học sinh và thế hệ mầm non... Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sự đa dạng trong cách thức triển khai xây dựng KGVH Hồ Chí Minh ở nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức... chứng tỏ sự hưởng ứng và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Dù đa dạng cách làm nhưng cơ bản bảo đảm tính thiết thực, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc nhân dân.

Tăng tính hiệu quả, coi trọng xây dựng con người văn hóa

Mục tiêu xây dựng KGVH Hồ Chí Minh được Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định là phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên phát triển toàn diện; trong đó mọi người dân thành phố là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng thành quả KGVH Hồ Chí Minh; xây dựng KGVH Hồ Chí Minh bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa-xã hội.

Mục tiêu đó chỉ ra yêu cầu xây dựng KGVH Hồ Chí Minh phải đi vào chiều sâu, tăng tính hiệu quả và nhấn mạnh yếu tố cốt lõi là xây dựng con người văn hóa. Theo GS, TS Trần Ngọc Thêm, chuyên gia đầu ngành về văn hóa, việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh ở một số quận, huyện đang còn nhiều bất cập, hình thức, chạy theo số lượng; cần đi vào chiều sâu, gắn với hệ giá trị phi vật thể; đầu tư có trọng điểm theo hướng hiện đại và tiện lợi.

Yếu tố con người văn hóa, con người có phẩm chất đạo đức tốt được biểu hiện ra bên ngoài qua giao tiếp, ứng xử đúng chừng mực, luôn tận tâm, tận tụy với công việc... Cho nên, xây dựng KGVH Hồ Chí Minh cần nhấn mạnh yếu tố con người văn hóa. PGS, TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cùng với công tác quy hoạch tổng thể KGVH Hồ Chí Minh, đầu tư một số công trình gắn với Bác và đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học-nghệ thuật, cần kiên trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa của người dân trong cộng đồng thấm sâu hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong KGVH phải đặc biệt coi trọng việc lan tỏa văn hóa giao tiếp, ứng xử đến mọi người dân thành phố, mà chủ thể lan tỏa văn hóa này chính là đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Thời gian tới, xây dựng KGVH Hồ Chí Minh cần gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với xây dựng thành phố nghĩa tình, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời đẩy mạnh xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, để góp phần cho KGVH Hồ Chí Minh trở thành động lực phát triển của Thành phố mang tên Bác kính yêu.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - ANH HOÀNG



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE