You are here

Bài 3: Chống tung hô, sáo ngữ

Công bằng mà nói, thời gian qua, việc thực hành nêu gương được Trung ương quyết liệt tập trung lãnh đạo, được các cấp tổ chức thực hiện, khơi dậy thành phong trào rộng khắp, nhưng xem ra vẫn còn đó không ít yếu kém trong khâu vận hành, nhất là các biểu hiện tung hô sáo ngữ, kêu gọi chung chung và nặng hành chính, giấy tờ.

Nêu gương gắn với luật pháp, chế tài

“Quy định của Trung ương đã rõ, các đồng chí phải thực hành nêu gương tốt!”, “Nêu gương là bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV)”, “trách nhiệm của chúng ta là phải làm gương mẫu mực”... Những lời kêu gọi ấy hiện hữu không ít tại nhiều cuộc họp, hội nghị, diễn đàn, các bài nói, bài viết của những người đứng đầu, chủ trì, chủ chốt. Thế nhưng, sau đó không lâu, ở ngành đó, cơ quan, địa phương đó lại xuất hiện những cá nhân chưa nêu gương; thậm chí, người đứng đầu vốn rất nhiệt huyết kêu gọi, hô hào, nhưng lại thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa dám chịu trách nhiệm về kết quả thực hành nêu gương ở tập thể mình quản lý. 

Quả đúng rằng, nêu gương là một phương pháp giáo dục đạo đức, là phần việc tự giác của tổ chức, cá nhân. Đó là việc giáo dục, cổ vũ, động viên, hình thành nhu cầu tự thân để mỗi người thực hành theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng và đạo đức xã hội. Thế nhưng, dưới góc độ quản lý, nêu gương là phương thức lãnh đạo nên đòi hỏi rất cao về tính hiệu lực, hiệu quả của công tác lãnh đạo. Hơn thế, trong đời sống xã hội hiện tại, khi các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc còn trở nên lẫn lộn, rối rắm. Chính vì vậy, nếu thực hành nêu gương mà không có tổ chức lãnh đạo, không tuân theo các quy định, chế tài giám sát thì rất dễ bị trá hình, bị giảm thiểu hiệu lực, hiệu quả, hoặc bị chuyển sang bêu gương.

Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ kêu gọi theo kiểu đức trị, giáo dục, thuyết phục, nêu gương mà thiếu pháp trị, thì chuyện “phát” mà không “động”, “đầu voi, đuôi chuột” tất yếu sẽ diễn ra. Nói cách khác, việc nêu gương không thể hô hào suông, mà phải gắn với luật pháp, chế tài đi kèm để xử lý những sai phạm. Điều đó lý giải tại sao, Trung ương ban hành hàng loạt quy định, quy chế về nêu gương, cụ thể hóa nội dung nêu gương và công khai rộng rãi trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội; đồng thời đặt ra yêu cầu rất cao trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa, hiện thực hóa.

Thực tế cho thấy, việc xử lý cán bộ chưa thực hành nêu gương đang là một khoảng trống mà các cấp chưa thật sự quan tâm ráo riết. Những CBĐV chỉ bị xử lý kỷ luật khi họ đã rơi vào vòng lao lý và bêu gương xấu; những người đứng đầu ở nơi ấy cũng chưa được xem xét liên đới trách nhiệm một cách nghiêm minh, đầy đủ. Thực trạng này cần sớm nhận diện để có giải pháp khắc phục.

99,7% trong tổng số cán bộ cấp huyện, xã được Báo Quân đội nhân dân khảo sát ở 11 huyện thuộc 3 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Yên Bái) thống nhất cho rằng: Hiện nay, hệ thống các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hành nêu gương dù đã khá hoàn thiện, đồng bộ, nhưng công tác lãnh đạo tổ chức nêu gương trên thực tế là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, việc duy trì nghiêm túc, lập lại nền nếp, chế độ, quy chế, quy định nêu gương trong Đảng là công việc hết sức cần kíp. Trước hết, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức đảng, CBĐV về mục đích, nội dung, bản chất, yêu cầu, phương thức, hình thức nêu gương để vận dụng hiệu quả, không bị chệch hướng, mang tính hình thức. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần sớm coi trọng công tác hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa, cụ thể hóa, hiện thực hóa các quy định về nêu gương. Các cấp cần rà soát lại những điểm bất hợp lý, lạc hậu trong các quy chế, quy định đã ban hành để bổ sung, hoàn thiện, giúp cho việc nêu gương được thống nhất, gắn với cơ chế thưởng-phạt công khai, minh bạch. Nên chăng, mỗi loại quy chế, quy định, luật pháp cần lượng hóa trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, CBĐV dưới quyền trong thực hành nêu gương; làm rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm, giáo dục đi đôi với kiểm tra, giám sát, tự giác gắn liền với bắt buộc CBĐV thực hiện.

Hiện nay, quy định nêu gương trở thành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương là bước tiến quan trọng, dấu ấn đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Để vai trò nêu gương của CBĐV ngày càng được lan tỏa, cần phải tiến dần tới luật hóa, có chế tài đầy đủ bảo đảm tính thực thi hiệu quả của phương thức nêu gương.

Chống bệnh hành chính, giấy tờ

Theo kết quả khảo sát ở 34 huyện của 7 tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc và một số đầu mối trực thuộc cơ quan Trung ương cho thấy: Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng bộ trực thuộc Trung ương lãnh đạo duy trì khá chặt chẽ việc đăng ký nêu gương của CBĐV, nhất là người đứng đầu và đội ngũ chủ chốt. Theo đó, căn cứ quy định của Trung ương, của tỉnh, thành phố và định hướng nêu gương của từng cơ quan, địa phương, việc tổ chức cho CBĐV làm bản đăng ký nêu gương và cam kết nêu gương (CKNG) khá bài bản, chặt chẽ theo phân cấp. Bản đăng ký nêu gương là sự cụ thể hóa quy định nêu gương sát với cương vị, chức trách được giao của từng CBĐV. Thời gian hoàn thành bản đăng ký và CKNG thường diễn ra vào đầu năm; được trình bày đầy đủ tại chi bộ. Vào dịp kiểm điểm cuối năm, mỗi CBĐV rà soát, bổ sung nội dung đăng ký nêu gương cho phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ mới và yêu cầu khắc phục các hạn chế, yếu kém của năm trước (nếu có).

Thế nhưng, đi sâu đánh giá chất lượng và nội hàm của việc CKNG thì vẫn còn đó nhiều điều băn khoăn, trăn trở. Gần như phần lớn CBĐV có nội dung đăng ký nêu gương khá toàn diện, bám vào 4 mặt công tác lớn, nội hàm rộng và rất khó hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung đăng ký, CKNG chỉ nên xác định một đến hai việc cần kíp đối với mình và đối với tổ chức. Ví như điểm yếu cần khắc phục, nêu gương là việc gì đó mà tổ chức cần để phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu và dẫn dắt cơ quan, tập thể.

Ở nhiều nơi lại sinh ra câu chuyện, CKNG viết xong thì để đó, người CKNG còn không nhớ rõ nội dung mình đã xác định từ đầu năm. Nhiều CBĐV thể hiện nội dung cam kết kiểu na ná giống nhau; năm sau chẳng khác gì năm trước. Dù theo phân cấp, nhưng cấp dưới lại lựa chọn nội dung nêu gương không khác gì CKNG của cấp trên, như kiểu sao chép máy móc; nhiều CKNG được hoàn thành sơ sài, có biểu hiện đối phó, phục vụ công tác kiểm tra...

Thực trạng trên phản ánh phần nào căn bệnh hình thức trong triển khai CKNG, gây khó cho công tác triển khai, thực hiện, quản lý, giám sát, tổng kết, báo cáo kết quả nêu gương... Thế mới có chuyện, không ít nơi duy trì việc thực hành nêu gương một cách cứng nhắc, nặng giấy tờ, hình thức. Thậm chí ngay trong phần việc những tưởng là “nhu cầu tự thân” của CBĐV thì chính sự gò ép về mặt văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính gây tốn kém vật chất và khiến công tác tổ chức, vận hành trở nên rườm rà mà hiệu quả thu về chỉ khiến cho căn bệnh hình thức càng trở nên trầm kha. Có nơi nhầm tưởng việc tổ chức viết CKNG là kết quả đạt được của cơ quan, địa phương mình, rồi tự hào thể hiện trong báo cáo, ví như: 100% CBĐV đăng ký nội dung “tự soi, tự sửa”; 100% cán bộ CKNG; 100% CBĐV chịu sự giám sát của chi bộ và các tổ chức quần chúng; 100% đối tượng có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện... Nhiều cán bộ phụ trách lĩnh vực này kêu than: Thủ tục hành chính trong duy trì việc nêu gương chưa hợp lý, vừa tốn giấy mực, vừa tốn công sức của một bộ phận cán bộ, công chức.

Chính vì vậy, để nêu gương thiết thực, việc đăng ký, CKNG cần phải có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là những điều cần kíp, gắn với lòng nhiệt huyết, tinh thần, trách nhiệm của từng CBĐV. Các cấp bắt buộc phải gắn chặt giữa CKNG với xây dựng kế hoạch hiện thực với quy trình, bước đi cụ thể, bảo đảm tiến độ hoàn thành; chứ không cầu toàn, đăng ký chiếu lệ. Cũng bởi thế mà đối với các đồng chí cán bộ Trung ương, cán bộ cấp cao của Đảng, cán bộ chủ trì, chủ chốt rất cần hai chiều giám sát hiệu quả việc thực hành nêu gương. Một mặt, tổ chức đảng cùng cấp theo dõi, góp ý, giúp đỡ và giám sát thực hiện; mặc khác phải có sự đồng hành, giám sát của Trung ương, cơ quan chức năng Trung ương. Với những điển hình thực chất, cần có những đánh giá đúng về hiệu quả thực hành nêu gương, gắn với việc quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ không thực hành nêu gương, nhất quyết không đưa vào quy hoạch; cán bộ nêu gương kém, cần đưa ra khỏi quy hoạch, thậm chí phải được thanh lọc, thải loại kịp thời.

Việc thực hành nêu gương nhất thiết phải thực hiện tròn khâu: CKNG, giám sát nêu gương, đánh giá chất lượng nêu gương và kiểm tra, tổng kết hiệu quả nêu gương, gắn với thi đua, khen thưởng và kỷ luật cán bộ. Định kỳ hằng năm (vào dịp cuối năm), cùng với việc kiểm điểm đảng viên và kiểm điểm công tác cuối năm, các cấp ủy, chi bộ tiến hành đánh giá kết quả việc thực hành nêu gương của CBĐV; mỗi CBĐV cũng tự đánh giá việc thực hành nêu gương là một nội dung trong bản tự kiểm điểm hằng năm. Kết quả thực hành nêu gương là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại CBĐV hằng năm. Định kỳ hoặc đột xuất, cấp ủy cấp trên phải tổ chức kiểm tra đối tượng trực thuộc trong việc đăng ký và thực hiện CKNG của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới; cấp ủy cùng cấp kiểm tra việc thực hiện quy định nêu gương của CBĐV thuộc quyền; có hình thức biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, đơn vị làm tốt và nhắc nhở, kiểm điểm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt.

Cũng rất cần nghiên cứu, điều chỉnh lại một số tiêu chí trong đánh giá thi đua; không nên áp đặt những tiêu chí sơ cứng, nặng cơ cấu, gây khó cho việc xem xét, bình bầu khen thưởng đối với cán bộ chủ trì, chủ chốt, hoặc nảy sinh tâm lý nhường các hình thức khen thưởng cho cấp dưới và quần chúng. Cần thiết nên định khung việc thi đua khen thưởng theo đối tượng, ví như việc thi đua giữa đội ngũ cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp với nhau... Có như vậy thì mới thuận cho việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình cán bộ chủ chốt, cán bộ là người đứng đầu, cán bộ cấp cao của Đảng.

“Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; nêu cao tinh thần tự giác, tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ pháp luật, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của CBĐV trong việc vận động gia đình, người thân xây dựng lối sống gương mẫu” - Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.

(còn nữa)

NGUYỄN TẤN TUÂN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE