You are here

Dịch chuyển và sáng tạo

Vẫn khai thác chuyển động của thế giới đương đại, nhưng với thực hành hội họa, Mzung Nguyễn thể hiện được câu chuyện nằm sâu trong sự chuyển đổi mà các tác phẩm phim ảnh trước đó nghệ sĩ chưa khai thác hết.

Nghệ sĩ đồng hành

Được biết đến là nhà làm phim độc lập, từ năm 2017, Mzung Nguyễn mở rộng thực hành nghệ thuật theo hướng đa phương tiện, bắt đầu vẽ tranh sơn dầu và tranh cắt dán. Triển lãm “Dịch chuyển” khai mạc ngày 10.8, tại Trung tâm hỗ trợ và Phát triển triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gồm 30 tác phẩm nói về những thay đổi đương đại. Hai năm qua, Mzung Nguyễn đã thu thập và tái sử dụng số lượng lớn báo, tạp chí cũ, được xuất bản trong suốt một thập kỷ qua để tạo nên tác phẩm nghệ thuật xé dán đa chất liệu, hay còn gọi là tranh collage.

Tác phẩm của Mzung Nguyễn được sáng tạo từ chất liệu báo, tạp chí cũ

Mzung Nguyễn sinh năm 1982, tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Báo chí năm 2006 và bắt đầu sự nghiệp với công việc viết lách. Sau đó cô theo học chuyên sâu và bước vào lĩnh vực điện ảnh. Nghệ sĩ đã cho ra mắt các tác phẩm đa thể loại bao gồm phim truyện ngắn, phim tài liệu, phim thể nghiệm và video - art. Hai bộ phim thể nghiệm “Ngủ trong thành phố” (2017) và “Ánh sáng sau sự sống” (2018) của cô từng được lựa chọn trình chiếu tại nhiều quốc gia.

Thực hành của Mzung Nguyễn xuất phát từ thôi thúc bởi việc lưu dấu những dịch chuyển của thời gian và không gian, sự thay thế giữa giá trị cũ và mới, sự bất thuần văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, những tương phản giữa nhân sinh và thế giới tự nhiên trong đời sống đô thị. Giữa bối cảnh cuộc sống bị đóng băng bởi Covid-19, các dịch chuyển vật lý bị hạn chế, là lúc tâm trí của nghệ sĩ diễn động mạnh mẽ. Nghệ thuật hơn hết thảy báo chí hay truyền thông, đảm nhiệm vai trò xã hội lớn. “Đề tài của dự án rất rộng. Sự ‘dịch chuyển’ rộng như vậy có thể tìm thấy ở đâu? Tất nhiên là báo chí. Báo chí thông tin hàng ngày, tin tức liên tục trôi qua nhưng muốn lưu dấu được thì tôi tổng hợp nó dưới dạng tác phẩm”.

Lựa chọn tài liệu báo chí trong vòng một thập kỷ, một mặt bởi khả năng phục chế, mặt khác, theo Mzung Nguyễn, quan trọng hơn là các câu chuyện được kể. Ấy là dày đặc câu chuyện về chiến tranh, mất cân bằng sinh thái, đến cả sự lung lay về đức tin hay sự xô vỡ của một thế hệ tiêu dùng không có hạn mức… Mở một tờ báo ra, sẽ thấy hằng hà sa số quảng cáo đè lên tin, quảng cáo ngày càng tiến dần vào các trang bên trong, lấp đi phần lớn thông tin, buộc người ta phải nhìn nó khi tra cứu. Nghệ sĩ lấy đó làm nền cho những tiểu đề tài về sự dịch chuyển.

Mzung Nguyễn nói: “Chúng ta đang ở thời điểm rất nhiều chuyển giao, chứng kiến cái mới sinh ra và cả quá nhiều mất mát. Việt Nam đã trải qua mất mát từ chiến tranh, mất mát từ sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mất mát vì khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh… Mọi thứ, ngay cả tâm trí con người cũng khó đoán định. Đến lúc phải nghĩ nhiều hơn về nó, xem chúng ta nên làm như thế nào”.

Đi giữa được và mất

“Tôi thường đặc biệt ưu ái trạng thái dịch chuyển, và nó, một cách hữu cơ đã trở thành chất dung môi cho tôi thành hình các ý niệm. Hay trải nghiệm dịch chuyển giữa các thể loại, sắp xếp các chất liệu trong thực hành nghệ thuật giúp tôi khám phá cái vô tận của những mối liên kết không gian và thời gian, sự tương quan của các thành tố cấu thành xã hội loài người”. Mzung Nguyễn chia sẻ, từ hàng nghìn tờ báo đã đọc, nghệ sĩ lọc ra các chủ đề liên quan, xé bằng tay, tạo ra độ xước trên giấy, tiếp tục phân loại về màu sắc, chất liệu giấy, độ bắt sáng… rồi tạo hình tác phẩm. Bằng suy nghĩ như vậy, cô có được tâm thế cần có để quan sát đời sống.

Theo nghệ sĩ, đời sống không có thứ gì là độc tôn, đứng yên, là đời sống mà chủ nghĩa tiêu dùng chi phối mọi mặt. Trước đó, người Việt ưu tiên ăn chắc mặc bền, bây giờ dường như không vậy nữa. Sự dịch chuyển ấy tạo nên sức hấp dẫn về mặt thời đại nhưng đồng thời cũng đang hạn chế rất nhiều thứ về tuổi thọ của con người, về hạnh phúc, về tự do… “Nhìn xung quanh bạn có quá nhiều thứ chi phối. Chẳng hạn, bạn mua cái giường, mỗi ngày bạn phải giặt ga trải giường, bạn mua tủ lạnh thì phải tìm cách sử dụng hết công năng, hay mua tivi thì không thể một tuần chỉ xem một lần trong khi bạn đã phải bỏ ra số tiền rất lớn cho nó… Mọi thứ đều có sự kết nối hỗn hợp về mặt vật chất tác động đến đời sống cá nhân”.

Sự dịch chuyển giữa truyền thống với hiện đại, giữa cái được và cái mất là cơ hội cho người làm sáng tạo suy tư. Nghệ sĩ diễn giải, điều đó giống như việc bạn ra đường và nhìn thấy ngôi chùa cổ kính nằm bên cạnh một tòa kiến trúc hiện đại, đồ sộ, ăn nên làm ra. Cũng giống như chứng kiến con đường mà nếu thiên về bên này thì đó là sự tăng trưởng kinh tế, là giảm bớt nghèo đói, là câu chuyện sẽ có bao nhiêu người được chăm sóc y tế…, song đổi lại là sự phá vỡ rất nhiều giá trị, hoặc ngược lại nếu thiên về bên kia. “Quãng mình mong muốn là nằm ở giữa. Đồng hành của nghệ sĩ với đời sống đương đại còn là tìm ra cánh cửa để bước vào khoảng giữa đầy mâu thuẫn ấy. Tất nhiên, cơ hội dành cho những người thực sự làm việc, sẵn sàng dịch chuyển và sáng tạo”.  

Lê Thư



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE