You are here

Chia sẻ là cách bảo tồn tài liệu lưu trữ

Để tài liệu lưu trữ có tính cộng đồng, trở thành ký ức chung của xã hội thì việc cấp thiết là cần tạo dựng một hệ thống chia sẻ giữa các trung tâm lưu trữ, bảo tàng và các nhà sưu tầm.

Việc chia sẻ tài liệu lưu trữ không chỉ làm tăng giá trị cốt lõi của tài liệu mà còn góp phần lan tỏa đến cộng đồng và phục vụ các nghiên cứu khoa học. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng: "Thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng, trên phạm vi rộng nhất có thể. Hy vọng trong tương lai gần, cộng đồng xã hội sẽ được chứng kiến, được hưởng lợi ích chung từ việc chia sẻ rộng rãi giá trị tài liệu lưu trữ".

Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (thứ hai, từ trái sang) giới thiệu một số tờ báo do ông sưu tầm. 

Bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các trung tâm lưu trữ, bảo tàng, còn có nhiều tài liệu, tư liệu nằm rải rác trong bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, giúp phác họa được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử. Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, lịch sử thực chất là sự kết hợp của ký ức trong từng giai đoạn đã qua, chúng chịu sự tác động của các yếu tố mọi thời đại, cái khó là làm sao cho nhận thức cân bằng, đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển và tiến bộ, điều quan trọng là phải quan tâm bảo tồn di sản. Vấn đề liên quan đến bản quyền là cách tốt nhất phát huy di sản để chúng ta đánh thức trách nhiệm của cả cộng đồng.

Việc sưu tầm những tài liệu quý không phải là điều dễ dàng. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: "Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy lưu trữ các tài liệu, tư liệu rất quan trọng đối với nhà nước, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Nhưng quá trình sưu tầm hiện nay còn rất khó khăn, khi sưu tầm được một tài liệu cần phải qua nhiều lần sửa chữa mới có thể đưa thông tin đến với công chúng. Đối với sưu tầm ảnh càng khó khăn hơn, phải đi tìm và xin từng bức ảnh. Vì thế, tôi hy vọng tất cả mọi người với tinh thần quý trọng lịch sử sẽ kết nối với nhau để chia sẻ nhiều hơn các di sản dữ liệu".

Để khuyến khích sự đóng góp của cá nhân trong việc giao tài liệu cho nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, người làm công tác lưu trữ trước tiên phải đưa ra những thỏa thuận, hiểu được cộng đồng, cần biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến. Khi người dân mang tư liệu đến, đầu tiên phải thể hiện sự tôn trọng, phải biết lắng nghe, chia sẻ câu chuyện họ mang đến. "Trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, phải giữ được chữ tín, niềm tin, có vậy những tư liệu đang nằm trong cộng đồng sẽ được chia sẻ nhiều hơn", ông Huy nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm cá nhân với bộ sưu tập khoảng 400 nghìn tờ báo, nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) cho biết: "Tôi sẵn sàng chia sẻ những bản photo, hoặc một số tờ báo bản gốc mà tôi sưu tầm tặng những đơn vị thực sự cần. Cá nhân tôi sẽ cố gắng chia sẻ tư liệu bằng nhiều cách khác nhau, trong đó tôi đã tính tới việc mở bảo tàng tư nhân về báo chí".

Bài và ảnh: LƯƠNG HIỀN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE