You are here

Tiền mất tật mang

Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu việc làm trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Do vậy, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức kiếm tiền online với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham của con người.

Việc nhẹ, lương cao

Kiếm tiền online là hình thức làm việc trên Internet và nhận tiền qua các tài khoản trung gian, do đó người làm việc không biết đối phương là ai, ở đâu, thông tin cá nhân như thế nào,…. Lợi dụng đặc điểm này và nhu cầu tìm kiếm việc làm đang tăng cao sau dịch bệnh Covid-19, các đối tượng đã tiếp cận những người đang có nhu cầu tìm việc làm trực tuyến, người bị mất việc do ảnh hưởng của dịch, người trẻ tuổi, sinh viên mới ra trường đang muốn tìm việc làm, phụ nữ nuôi con nhỏ… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kiếm tiền online.

Chị Nhật Linh, nhân viên tại một phòng tập Gym tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mặc dù đã đi làm trở lại mấy tháng nay nhưng công việc chưa nhiều. Tranh thủ thời gian rảnh chị Linh muốn tìm kiếm một công việc online để trang trải thêm cho cuộc sống. Qua tìm hiểu trên mạng, chị Linh tìm được một công việc online với mức lương 300.000 đồng - 500.000 đồng/ngày. Sau khi trao đổi công việc, chị Linh được một bạn nhân viên hướng dẫn tải ứng dụng chat Telegram để bắt đầu công việc. Ban đầu họ yêu cầu chị Linh nạp tiền vào mua đơn hàng bên họ để được nhận hoa hồng. Hai đơn đầu họ trả tiền rất sòng phẳng. Đến đơn thứ 3 họ không thanh toán và yêu cầu nộp thêm tiền để mua thêm đơn thì mới được rút tiền. “Đơn thứ 4 họ yêu cầu số tiền lớn quá nên tôi đã nghi ngờ và không nạp tiếp, yêu cầu họ giải quyết thanh toán tiền thì các bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đến lúc này, tôi biết mình đã bị lừa và mất số tiền 15 triệu. Đúng là tiền mất tật mang, mồ hôi công sức đi làm mấy tháng trời giờ mất hết. Giờ định thần lại, qua tìm hiểu thì không chỉ mình tôi mà có rất nhiều người bị lừa như mình, có người mất cả hàng trăm triệu đồng” chị Linh chia sẻ.

Cũng giống như chị Nhật Linh, Chị Đặng Thị Hiền (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết chị đang mang bầu không thể đi làm nên đã tìm hiểu các công việc online để làm tại nhà. Thấy trên Facebook có tuyển cộng tác viên cho Shopee từ tài khoản có tên “CNT Kiếm Thu Nhập 4” đăng trong nhóm “Việc làm online 9”. Thấy Shopee là trang thương mại điện tử lớn, không phải đóng tiền cọc khi tham gia nên chị Hiền càng tin tưởng và đã đăng ký tham gia làm cộng tác viên. Công việc của chị là đặt hàng được chỉ định trên Shopee nhưng không nhận hàng, tiến hành chuyển tiền là giá trị của sản phẩm cho số tài khoản có sẵn. Sau 5-10 phút, chị sẽ nhận lại số tiền đó cộng thêm 10% giá trị sản phẩm. Làm được khoảng 1 tuần, giá trị sản phẩm được chỉ định mua tăng dần theo thời gian, đến khi sản phẩm được chỉ định là một chiếc máy lọc không khí có giá lên tới 15 triệu đồng thì sau khi chuyển khoản như bình thường, chị không nhận lại được tiền và không liên hệ được với tài khoản “CNT Kiếm Thu Nhập 4”.

Đánh vào tâm lý nhiều người bị mất việc, muốn thay đổi công việc, môi trường làm việc, trong đó có nhiều người quen với cách làm việc tại nhà do dịch bệnh, muốn kiếm thêm thu nhập..., là cơ hội cho những kẻ lừa đảo giấu mặt ra tay.

Cần tỉnh táo

Bằng các phương thức lừa đảo tinh vi chạy quảng cáo với những lời mời chào kiếm tiền dễ dàng từ 300.000-500.000 đồng/ngày với các công việc đơn giản, thời gian làm việc ít… các đối tượng đã dễ dàng tiếp cận dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin có nhiều thời gian rảnh, cần việc làm tham gia. Mới đầu, các đối tượng sẽ trả đủ tiền gốc, tiền hoa hồng trong 3 đến 4 nhiệm vụ ban đầu trị giá vài trăm nghìn đồng, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiếp số tiền lớn hơn để nhận thêm nhiệm vụ với giá trị cao đến hàng chục triệu đồng. Lúc này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài sản, không trả tiền cho nạn nhân với các lý do: mã lệnh sai, thao tác sai, chưa hoàn thành nhiệm vụ, nạn nhân đã gian lận… thậm chí là yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ cũ, nhận nhiệm vụ mới để được hoàn tiền gốc.

Luật sư, Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết các hành vi mời chào làm các việc công việc online song, việc nhẹ, lương cao, thời gian ít để các nạn nhân sập bẫy rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền và mất liên lạc của các đối tượng đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Tùy theo tính chất mức độ hành vi phạm tội và giá trị tài sản chiếm đoạt mà khung hình phạt tù có thể từ 6 tháng và tối đa của tội này là tù chung thân.

Có thể thấy, mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa tin, phát đi cảnh bảo về hình thức lừa đảo mới này nhưng vẫn không ít người nhẹ dạ, cả tin vẫn tin và làm theo. Đã đến lúc cần tỉnh táo hơn trước những công việc đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có mức “thu nhập khủng”, cũng như đừng nên tin vào bất kì hình ảnh, video nào trên mạng, có thể là hình ảnh khoe mức thu nhập lớn, hay những chuyến du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời,.. rất có thể đó là các hình thức lừa đảo. Đặc biệt, không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, số tài khoản ngân hàng, ví điện tử cho các đối tượng… Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần lập tức thông báo cho công an địa phương gần nhất.

Nguyễn Ngân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE