You are here

Không nên xem nhẹ quyền sở hữu trí tuệ

Quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính thấp nhưng điều đó cũng không có nghĩa doanh nghiệp được phép coi nhẹ vai trò của quyền sở hữu trí tuệ. Bởi đây không chỉ là tài sản mà còn là yếu tố quyết định sự sống - còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm

Ngày 2.8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) tổ chức hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0”.

Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại nước ta chưa nhiều. Một số quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ còn chung chung dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả. Chúng ta đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Luật Sở hữu trí tuệ của ta nhưng lại chưa tính đến đặc thù của đất nước mình. Đặc biệt, khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng và quản lý khối tài sản trí tuệ rất lớn của quốc gia nhưng chưa có những quy định đặc thù để bảo vệ hữu hiệu…

Thống kê công bố tại hội thảo cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50%. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020. 

Tuy nhiên, so với số gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn. Báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong khi đó thương hiệu là "linh hồn" của doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường. 

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước. Việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Yếu tố quyết định sự thành, bại

Theo Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Luật sư Nguyễn Thanh Hà, sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp. Bất kể doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì chắc chắn doanh nghiệp đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Ông Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng, trong thời đại của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng trở nên phức tạp khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. “Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức cao hơn nữa về vai trò sở hữu trí tuệ, phải có ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, ông Huân nói.

Các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, dù quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính thấp nhưng điều đó không có nghĩa doanh nghiệp được phép coi nhẹ vai trò của sở hữu trí tuệ. Với chủ các doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tài sản mà còn là yếu tố quyết định sự sống - còn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khoản chi đó không đáng là bao nếu so với số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu.

Vũ Quang



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE