You are here

Khoảng trống trong truyền thông pháp luật

Truyền thông chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, việc chưa chú trọng trong công tác triển khai đã tạo ra khoảng trống trong hoạt động truyền thông Dự thảo chính sách, pháp luật.

Chưa chú trọng trong quá trình triển khai

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tính đến năm 2022, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, số lượng lao động người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 650.000 người; số lượng du học sinh Việt Nam đang theo học ở các trường đại học nước ngoài khoảng 300.000 người.

Do điều kiện sinh sống, ngôn ngữ, việc tìm hiểu pháp luật Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp cộng đồng chấp hành luật nước sở tại, hướng về đất nước.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Phạm Thị Thu Hương cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo chính sách, pháp luật được đăng trên 2 trang thông tin điện tử của Ủy ban là www.quehuongonline.vn và www.scov.gov.vn và dẫn link trực tiếp đến các trang thông tin gốc đề kiều bào đóng góp ý kiến trực tiếp đến cơ quan chủ trì.

Công tác truyền thông pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nguồn: ITN

Ngày 30.3.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt đề án “tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Đây là đề án hết sức cấp thiết, nhằm nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản, bảo đảm tính công khai minh bạch, phát huy tính dân chủ tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Phó Vụ trường Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, mặc dù pháp luật đã có quy định về việc phổ biến, thông tin chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật song, thực tế từ trước đến nay các hoạt động truyền thông mới chỉ tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mà chưa chú trọng triển khai đồng bộ và hiệu quả các dự thảo luật. “Do đó, các hoạt động truyền thông phổ biến chính sách pháp luật chưa thực sự hiệu quả và chưa nâng cao chất lượng trong quá trình soạn thảo văn bản. Từ đó, tạo ra những khoảng trống trong các hoạt động truyền thông phổ biến chính sách pháp luật. Đơn cử, một số luật sau khi được thông qua, ban hành có những điểm không phù hợp với thực tiễn áp dụng dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung hoặc có những văn bản luật khi trình lên Quốc hội có những ý kiến trái chiều” ông Nguyên chia sẻ.

Cần có sự phối hợp của các bên liên quan

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tuyên truyền xây dựng dự thảo chính sách, pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Phạm Thị Thu Hương cho biết, hiện các quy định pháp luật có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, do nhiều bộ, ngành khác nhau phụ trách. Việc xác định cơ quan nào là cơ quan chủ quản phụ trách vấn đề liên quan để phối hợp thông tin, tuyên truyền đôi khi gặp khó khăn, nhất là đối với những vấn đề mang tính liên ngành.

Đồng quan điểm, theo Đại diện Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí, chủ yếu xem công tác truyền thông là nhiệm vụ của báo chí mà chưa xác định rõ đây là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, báo chí và các loại hình truyền thông khác là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện công tác truyền thông chính sách.

Cần lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp. Nguồn: ITN

Đánh giá hoạt động truyền thông Dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum (Thông tấn xã Việt Nam) Cao Thị Mai Phượng cho rằng, đây là hoạt động truyền thông có tính đặc thù về đối tượng, địa bàn, ngôn ngữ…. Bởi lẽ, người Việt Nam ở nước ngoài xuất phát từ các quốc gia khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt nên thường gặp rào cản khi tiếp cận Dự thảo chính sách, pháp luật bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Do đó, cần lựa chọn loại hình thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận để tăng tính tương tác tạo thuận lợi cho việc thu hút ý kiến đóng góp cho người Việt Nam ở nước ngoài đối với các Dự thảo.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để tăng cường truyền thông về Dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài, cần sự tham gia của 3 bên gồm cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật, cơ quan quản lý về thông tin đối ngoại và báo chí. Việc phối hợp truyền thông giữa các bên sẽ giúp truyền thông đa chiều, khách quan, chính xác và đầy đủ. Truyền thông Dự thảo chính sách, pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được xem là cách thức, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu mà Kết luận số 12/KL/TW ngày 12.8.2021 đề ra.

Nguyễn Ngân



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE