You are here

Hiểm họa tôm càng đỏ

Tôm càng đỏ xuất hiện trên thị trường nước ta những ngày qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp đối với các cơ quan chức năng và toàn cộng đồng xã hội. Bởi nếu loài sinh vật này không bị kiểm soát, để sinh sôi ở nước ta, sẽ gây ra những hậu họa khủng khiếp mà ban đầu không phải ai cũng lường hết được.

Sinh vật ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện, sinh trưởng và phát triển ở khu vực mà vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của loài đó. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài chiếm nơi sinh sống hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những loài sinh vật bản địa của vùng đó. Chúng cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú với các loài sinh vật bản địa. Chúng cản trở sự tái sinh tự nhiên của những loài bản địa do khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh với mật độ dày đặc của loài ngoại lai. Chúng tiêu diệt dần loài bản địa, dẫn đến sự thay đổi, suy thoái hệ sinh thái bản địa. Một số trường hợp, sinh vật ngoại lai khi sinh sôi, phát triển nó sẽ phá hủy hệ sinh thái bản địa một cách nghiêm trọng.

Việt Nam đã chứng kiến sự xâm nhập, sinh sôi và gây hại nghiêm trọng của một số sinh vật ngoại lai. Đó là một số loài thực vật: Cây trinh nữ đầm lầy, lục bình... Động vật đáng chú ý có: Sâu róm thông, ốc sên, rùa tai đỏ,... Đặc biệt, ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai gây thiệt hại khủng khiếp đến sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, loài ốc này ngập tràn các ao hồ, đầm lầy, các dòng kênh mương khắp cả nước. Loài ốc này ăn mầm non các loại cây, phá hoại rất nhanh cây lúa, trở thành nguy cơ mất mùa thường trực với ngành nông nghiệp. Liên tục nhiều năm, nhiều địa phương huy động các lực lượng thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân tham gia các phong trào diệt ốc bươu vàng, nhiều tỷ đồng phải chi ra để diệt ốc. Hơn nữa, hiện nông dân nhiều nơi phải thường xuyên phun thuốc hóa học trừ ốc trước và trong khi gieo cấy lúa, gây tốn kém, ô nhiễm môi trường và hủy diệt các sinh vật khác. Tuy vậy, cho đến nay, loài ốc này vẫn hiện diện ở khắp nơi.

Giờ đây, tôm càng đỏ xuất hiện ở trong nước khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Tôm càng đỏ có 5 cặp chân rất khoẻ dùng để đào hang. Đôi mắt kép nên thị giác chúng rất tốt. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm cá nhỏ, chúng có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và thủy sản... Loài này có khả năng sinh sôi nảy nở cực nhanh. Với việc xuất hiện trên thị trường những thùng tôm lạ này, khả năng để lọt vào môi trường tự nhiên là rất lớn. Nếu việc này không được kiểm soát chặt chẽ thì hiểm họa tôm càng đỏ là hiện hữu.

Nhìn thẳng thực tế, những thùng tôm càng đỏ xuất hiện trên thị trường cho thấy những lỗ hổng lớn về kiểm soát sinh vật ngoại lai hiện nay. Dù những bài học đắt giá đã có nhưng nay lại cho thấy sự chủ quan và buông lỏng quản lý lặp lại. Cơ quan hữu quan cần nâng cao trách nhiệm của mình, lấp đầy những khoảng trống pháp luật để những sinh vật ngoại lai không còn cơ hội lọt vào hệ sinh thái nước ta. Vụ việc tôm càng đỏ đã có sự chỉ đạo từ các cơ quan cấp cao, nay là lúc các địa phương, cán bộ cơ sở cần sát sao kiểm soát, cộng đồng xã hội cũng như từng người dân nâng cao ý thức bằng việc không mua dùng, không ủng hộ việc tiêu thụ, nuôi, kinh doanh loài sinh vật nhiều nguy cơ gây hại này.

Theo Báo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE