You are here

Doanh nghiệp ngại kiện tin giả

Nhiều doanh nghiệp bị đồn tin giả gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh song vẫn ngại kiện ra tòa do thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Đây là thông tin được nêu ra tại tọa đàm Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15.11.

Tin giả bủa vây doanh nghiệp

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn xác nhận, tin giả đã và đang ảnh hưởng đến mọi người dân, doanh nghiệp. Thực tế, tin giả không mới, song mấy năm gần đây, do sự phổ biến của mạng xã hội tại Việt Nam, tin giả càng có cơ hội phát tán mạnh mẽ, đồng thời để lại hậu quả rất lớn, đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia trao đổi tại tọa đàm. Ảnh VGP

Tin giả về doanh nghiệp cũng muôn hình vạn trạng. Ông Tuấn dẫn chứng, có doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, bỗng một ngày lan truyền thông tin sản phẩm của doanh nghiệp có thể gây ung thư. Ngay lập tức, khách hàng ngừng nhập hàng, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn!

Gần đây, các tin đồn về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, về lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt bớ, ốm bệnh… đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng khi ngay lập tức, cổ phiếu bị xuống giá, phía ngân hàng sẽ tìm hiểu ngay về “sức khỏe” doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng… Đáng nói, nếu như trước đây, việc xác định nguồn gốc tin giả không quá phức tạp thì nay với sự bùng nổ của các mạng xã hội, việc này vô cùng phức tạp mà từng doanh nghiệp khó có thể tìm ra. “Doanh nghiệp có thể sụp đổ vì tin giả. Đây là vấn đề nghiêm trọng và đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực”, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu.

Chia sẻ câu chuyện thực tế, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect cho biết doanh nghiệp cũng vừa bị tung tin sai lệch về hoạt động của doanh nghiệp, tin lãnh đạo công ty bị bắt… Các tin này lan truyền dồn dập khiến lượng lớn cổ phiếu bị bán tháo, nhiều khách hàng chuyển tài khoản khỏi công ty, gây thiệt hại lớn cho cả công ty lẫn nhà đầu tư. Những thiệt hại đó là không thể đo đếm! Công ty đã phải ra thông báo gửi tới khách hàng làm rõ thông tin sai lệch, đồng thời làm việc với cơ quan công an.

Như các chuyên gia thừa nhận, không phải đến bây giờ tin giả liên quan doanh nghiệp mới xuất hiện, song theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp không chủ động trong vấn đề này, không có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty.

Ông Lê Quang Tự Do dẫn chứng, khi một loạt công ty chứng khoán, bất động sản nổi lên vấn đề trái phiếu, dù phía cơ quan quản lý đã có cảnh báo là các doanh nghiệp cần thông tin kịp thời để trấn an dư luận song không ai chịu làm, chỉ đến khi tin giả lan truyền đến công ty của mình mới tá hỏa và cung cấp thông tin. “Nếu chúng ta chủ động sẽ giảm tin đồn rất nhiều”, ông nhấn mạnh.

“Mọi hành vi vi phạm phải bị xử lý”

Trong sự bùng nổ của công nghệ cùng các mạng xã hội, việc sống chung với tin giả là khó tránh khỏi. Do vậy, để bảo vệ doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với tin giả. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với tình hình bằng việc thành lập bộ phận truyền thông có kỹ năng, kinh nghiệm; có kế hoạch bài bản, có khả năng dự báo, bảo đảm “truyền thông phải đi trước một bước” để tránh xảy ra khủng hoảng truyền thông mới đi xử lý.

Một trong những vấn đề đặt ra là phải chăng chế tài xử lý người tung tin giả chưa đủ sức răn đe? Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhìn nhận, hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý tin giả tương đối đầy đủ, với mức phạt từ hành chính đến hình sự. Vấn đề ở chỗ thực thi, xây dựng được xã hội thượng tôn pháp luật. “Nếu bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý, dù có là phạt 2 triệu hay cao hơn nữa là xử lý hình sự thì không ai lại không sợ”, ông Huế nhấn mạnh.

Cũng theo vị luật sư này, vấn đề cần lưu ý nữa liên quan đến quy định bồi thường thiệt hại dân sự. Ông Huế phân tích, hiện doanh nghiệp muốn chứng minh thiệt hại ngoài hợp đồng do tin giả để được bồi thường rất khó, cần có hóa đơn chứng từ, quy trình tố tụng phức tạp. Nếu kiện dân sự cần đến một năm cho phiên tòa sơ thẩm, và thêm một năm nữa nếu kiện phúc thẩm, chưa kể khi có bản án thì rất khó xác định thời gian thi hành. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp ngại kiện vì “chờ được vạ thì má đã sưng”. Do vậy, ông Huế kiến nghị cần xem xét sửa đổi quy định liên quan bồi thường thiệt hại dân sự.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần khuyến khích cơ chế kiện đòi bồi thường với các vụ việc bị tung tin giả. Hiện, thủ tục mất quá nhiều thời gian. Trong bối cảnh internet bùng nổ, cần cải cách tư pháp để có thể rút gọn phiên xử theo hướng nhanh chóng.

Mặt khác, ông Tuấn cho rằng cần có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho người dân và cho cả các cơ quan nhà nước về cách thức xử lý tin đồn. Muốn vậy, phải có đội ngũ có kỹ năng, kinh nghiệm, được đào tạo. Khi có nhân sự tốt, cùng với việc đưa ra nhiều thông tin tốt từ nhiều nguồn tin cậy sẽ hạn chế được tin giả, tin đồn.

Đan Thanh



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE