You are here

Xã hội hóa lưới điện truyền tải: Công phá điểm nghẽn

Xã hội hóa lưới điện truyền tải sẽ tạo nên “luồng gió mới” khuyến khích các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực này. Từ đó, hạn chế tính độc quyền của ngành điện và người tiêu dùng cũng sẽ được lựa chọn sử dụng các nguồn điện khác nhau. 

Tư nhân sẽ được tham gia xã hội hóa lưới điện truyền tải. 

Bộ Công thương mới đây đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức Hợp tác công tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Theo Bộ Công thương, để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hoá trong điều kiện Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa được ban hành, Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích, làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải điện, theo hướng Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. Trường hợp Luật PPP ban hành và có hiệu lực, trong đó cho phép đầu tư tư nhân tham gia đầu tư (xã hội hóa) lưới điện truyền tải thì việc đầu tư tư nhân có thể áp dụng Luật này.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc đầu tư lưới điện truyền tải chủ yếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện. Để giải tỏa hết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo phát triển trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải rất lớn. Việc này yêu cầu nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn nhà nước bị hạn chế. Do đó, nhu cầu huy động các nguồn vốn khác trong đầu tư lưới điện truyền tải là cấp bách.

Báo cáo của Bộ Công thương cũng nêu thực tế, việc đầu tư lưới điện truyền tải hiện chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo. Hơn nữa, do cách hiểu độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải bao gồm cả việc đầu tư lưới điện truyền tải nên DN tư nhân mới chỉ đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đấu nối các dự án nguồn điện tới điểm đấu nối theo thỏa thuận với đơn vị truyền tải.

Với đề xuất của Bộ Công thương, giới chuyên gia trong ngành cũng như nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây sẽ là một “luồng gió mới”, tạo động lực cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo của nước nhà. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenergy, việc xã hội hóa để tư nhân đầu tư vào truyền tải lưới điện sẽ xóa bỏ tình trạng độc quyền, từ đó những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua sẽ sớm được giải tỏa.

Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nêu quan điểm, đây chính là điểm mới, cách nhìn mới đối với ngành điện, sẽ tạo nên  sự hứng khởi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

“Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội. Tham gia trực tiếp, nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng, được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn” -TS. Nguyễn Mạnh Hiến nhấn mạnh.

Trao đổi với PV, nhiều chuyện gia, nhà đầu tư cũng ủng hộ việc xã hội hóa hệ thống truyền tải điện. Trên thực tế, đối với mỗi dự án phát điện, các nhà đầu tư đều quan tâm rất lớn đến quá trình đấu nối, đường dây truyền tải có khả năng giải tỏa hết công suất của nhà máy điện hay không? Tuy nhiên, vấn đề được nhiều nhà đầu tư đặt ra đó là, trong đầu tư lưới điện truyền tải, e ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư  là khâu giải phóng mặt bằng, bởi đây là hạng mục tốn công sức, thời gian và tiền bạc nhiều nhất.

Minh Phương

Theo Đại đoàn kết



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE