You are here

Phương án 1 giá điện: Tính kỹ để hài hòa lợi ích

Trong quá trình hoàn thiện phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, bên cạnh thiên về chia 5 bậc thang, Bộ Công Thương đang tính thêm phương án 1 giá điện. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thực sự áp dụng song song cả 2 phương án, cần tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt cần hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo hài hòa lợi ích.    

1 giá điện-dùng ít sẽ chịu thiệt

Xung quanh câu chuyện tính toán phương án 1 giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, mức giá của phương án 1 giá đang được cân nhắc, song chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh. Tính toán ban đầu cho thấy, những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh sẽ chọn phương án 1 giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70-80% tổng số lượng khách hàng, có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang do vẫn được hưởng lợi hơn.

"Phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, những người thu nhập thấp sử dụng dưới 300 kWh vẫn có lợi hơn", lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Trước khi đặt ra câu chuyện tính toán thêm phương án 1 giá điện, Bộ Công Thương đã đề xuất 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc (phương án 5 bậc có 2 kịch bản).

Kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành). Trong đó, giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản 2, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh. Giá điện của bậc 3 (201 - 400 kWh) được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Theo Bộ Công Thương: Kịch bản 1 có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới nên tác động khi áp dụng kịch bản này là nhỏ hơn so với phương án 5 bậc, kịch bản 2.

Ngoài ra, mức chênh lệch giữa bậc thang cuối và bậc thang đầu là phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích các hộ có mức sử dụng điện lớn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 để áp dụng.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, xét về mặt kinh tế, trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... áp dụng phương án điện 1 giá sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiết kiệm điện; đồng thời sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật Điện lực.

Đặc biệt, khi thực hiện 1 giá sẽ phải kéo các mức giá hiện ở các bậc thang có giá thấp hơn giá bình quân tăng lên bằng mức giá bình quân, đồng thời cũng phải kéo các mức giá có giá cao hơn giá bình quân xuống bằng mức giá bình quân. Như vậy, sẽ có khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt) tiêu thụ 200 kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98-13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng/hộ/tháng, giá chưa tính thuế Giá trị gia tăng) so với trả tiền điện theo giá bậc thang. Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh/tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000 kWh/hộ/tháng).

Cần hành lang pháp lý đầy đủ

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thống kê của EVN cho thấy, mức độ điện sử dụng bình quân của người dân đang tăng lên. Cụ thể, năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh/tháng và hiện nay con số này là 189 kWh/tháng.

Thiên về phương án nên duy trì biểu giá điện bậc thang, ông Dũng đưa ra lý giải, nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng theo hình thức này bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật... vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng. "Cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân. Dù với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của EVN đều đáp ứng và hỗ trợ. Quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền ra sao, EVN sẽ tuân thủ", ông Dũng khẳng định.

Cũng nhận định phương án 1 giá điện khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hụt ở Việt Nam hiện nay, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh bày tỏ quan điểm: "Giá điện đầu ra được tính toán dựa trên cơ sở giá đầu vào và các chi phí vận hành, quản lý hệ thống. Chính phủ đang khống chế giá đầu ra để đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế. Như vậy, 1 giá điện sẽ khó giúp ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội".

Xung quanh câu chuyện về cách tính giá điện, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu Chính phủ đồng ý tồn tại 2 phương án song song là điện bậc thang và điện 1 giá để người dân lựa chọn thì dễ dàng nhận thấy các hộ sử dụng ít điện sẽ lựa chọn phương án giá điện bậc thang để hưởng mức giá thấp còn hộ dùng nhiều tiền điện sẽ sử dụng phương án 1 giá để tránh việc giá điện bậc thang làm tăng mức tiền phải đóng. Tuy vậy, từ mức sản lượng nào trở lên lựa chọn phương án 1 giá sẽ tốt cho người tiêu dùng thì hoàn toàn phụ thuộc vào mức đồng giá được xây dựng. Mức đồng giá càng cao thì sản lượng điện tiêu dùng càng lớn và lựa chọn 1 giá mới hiệu quả. 

Ngược lại, nếu đưa ra 2 loại biểu giá bậc thang và 1 giá mà cả người tiêu dùng ít điện cũng có lợi, người dùng nhiều điện cũng có lợi thì chắc chắn sẽ có những vấn đề rất lớn đến cân bằng tài chính cho EVN. Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, nguyên lý đồng giá tuy đơn giản nhưng mức bao nhiêu và cơ chế áp dụng như thế nào là vấn đề mà Bộ Công Thương cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích người tiêu dùng cũng như cân bằng tài chính cho EVN.

"Bộ Công Thương phải nghiên cứu xây dựng biểu giá hoàn toàn mới chứ không phải dựa vào biểu giá sẵn có. Vì vậy, ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm phải là hành lang pháp lý liên quan đến thực hiện, cần hành lang pháp lý đầy đủ để tránh những vướng mắc trong thực hiện. Hành lang pháp lý quyết định sự linh hoạt lựa chọn của người tiêu dùng nên Bộ Công Thương cần đưa ra kịch bản thực hiện hài hòa", TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.

 

Uyển Như

Theo Hải Quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE