You are here

Không để doanh nghiệp “đói” vốn

 

Thu xếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là vấn đề khó khăn và có nguy cơ trở thành điểm nghẽn trong bối cảnh các kênh dẫn vốn đều bó cứng dịp cuối năm 2022 này.

Giao dịch khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ðông Nam Á (SeABank).

Những câu chuyện doanh nghiệp “đói” vốn, phải vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao không còn dừng ở mức độ trao đổi bên lề nữa mà đã xuất hiện trong báo cáo chính thức của một số diễn đàn lớn.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam không khỏi lo ngại doanh nghiệp sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn vì ngay trước điểm rơi đáo hạn các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn năm 2022 và 2023, họ buộc phải huy động tín dụng đen để trả nợ. Lý do vì không thể xoay xở được nguồn tiền khi kênh phát hành trái phiếu đã thắt chặt trước các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn số liệu: 4% doanh nghiệp tham gia khảo sát Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 thừa nhận phải chấp nhận đi vay từ nguồn tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất trung bình của các ngân hàng để trang trải cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vì không còn tài sản gì thế chấp ngân hàng để được vay vốn.

Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ quan ngại khi cả ba kênh dẫn vốn là tín dụng ngân hàng, trái phiếu và vốn huy động từ khách hàng đều tắc, khiến một số tập đoàn lớn “đói vốn” phải vay tín dụng đen với lãi suất rất cao, tiềm ẩn đầy rủi ro.

Một báo cáo gần đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt trọng tâm vào tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp khi nhấn mạnh, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản vì không có tiền trả lương cho người lao động, dẫn đến mất nguồn nhân lực; không có vốn để kinh doanh, đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau dịch bệnh.

Quá trình phục hồi sau hơn hai năm chống chịu đại dịch Covid-19 của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng vừa mới bắt đầu, “liều thuốc” tăng lực quan trọng trong thời điểm này chính là tín dụng nhưng vì nhiều lý do, cộng đồng sản xuất, kinh doanh lại đang rơi vào tình trạng khô khát tài chính.

Không tiếp cận được tín dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội đầu tư.

Để bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những động thái hỗ trợ đủ lớn để khơi thông dòng vốn, hướng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên.

Về phía các ngân hàng cần tiếp tục xử lý nợ xấu, đổi mới công nghệ, giảm chi phí quản trị góp phần giảm lãi suất cho vay. Đối với các doanh nghiệp, đây là lúc cần quyết liệt nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trong đó có vấn đề quản trị và xử lý rủi ro tài chính để tự cứu mình.

BÍCH NGÂN



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE