You are here

Giờ là lúc Bộ Tài chính thể hiện!

Bộ Tài chính mới đây đã giải thích vì sao chưa đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. (Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế suất 10% với xăng, 8% với xăng E5 và 7% với xăng E10; không thu thuế với dầu các loại).

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo và cần phải sử dụng tiết kiệm, vì vậy xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thông lệ quốc tế. Hiện tại, có nhiều nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và so sánh thì thuế suất của Việt Nam thấp hơn. Hơn nữa, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.

Vì những lý do này, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng và cần phải giảm thuế để góp phần kiềm chế lạm phát, Bộ sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án phù hợp.

Với vai trò “tay hòm chìa khóa” của ngân sách quốc gia, Bộ Tài chính đương nhiên phải cân nhắc, tính toán nhiều bề mỗi khi đề xuất điều chỉnh thuế, phí. Phương án giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu Bộ vừa đề xuất cũng rất tích cực. Tuy nhiên, có một thực tế Bộ Tài chính phải thừa nhận là gánh nặng thuế phí với xăng, dầu ở nước ta hiện rất lớn.

Thứ nhất, tổng cộng các loại thuế, phí đánh vào một lít xăng lên tới hơn 34%. Đặc biệt, trừ thuế bảo vệ môi trường cố định ở mức 1.900 - 2.000 đồng/lít, các loại thuế còn lại tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá (thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 7 – 10% tùy loại), vì vậy khi giá xăng nhập khẩu càng cao thì người dân càng phải đóng thuế nhiều hơn. Các nước chủ yếu đánh thuế tuyệt đối nên người dân không phải chịu gánh nặng này.

Hơn nữa, công thức tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu có dấu hiệu thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng đánh 10% trên giá bán ra, trong khi rổ “giá bán” đã bao gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính nói rằng, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Tuy nhiên, nếu đã so sánh thì phải đồng bộ và toàn diện, ví dụ về mức thu nhập, mức sống của người dân. Sẽ rất phản cảm khi chỉ so sánh những điều có lợi cho cơ quan quản lý.

Giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Diễn biến giá xăng dầu được dự báo sẽ còn nóng bỏng hơn trong thời gian tới. Vì vậy, giờ là lúc Bộ Tài chính thể hiện được ít nhất hai điều.

Một là sự chủ động trong điều hành, tính toán các kịch bản có thể xảy ra và xây dựng phương án ứng phó. Để khi tình huống xảy đến thì có phương án ngay lập tức. Tránh như vừa qua, các ý kiến đề nghị quyết liệt thì Bộ mới đề xuất giảm thêm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít nhưng khi đề xuất này còn chưa được xem xét thì giá xăng đã tăng thêm 1.000 đồng/lít.

Hai là sự linh hoạt trong điều hành, sự khéo léo vun vén như ông cha ta thường nói, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Lúc thuận lợi có thể duy trì các sắc thuế như vậy nhưng trong tình huống đặc biệt đòi hỏi có giải pháp đặc biệt. Khi giá xăng dầu tăng nóng như hiện nay, Bộ Tài chính cần rà soát các loại thuế với xăng dầu hiện hành và đề xuất miễn, giảm hợp lý đồng thời giải quyết tình trạng thuế chồng thuế nhằm “khoan sức dân”, giảm bớt sức ép lạm phát, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. 

Ví dụ, phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7. Các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia vẫn cho phép chúng ta hạ thuế nhập khẩu và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Cùng với đó, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, tính toán cách áp thuế phù hợp và  báo cáo Quốc hội sớm nhất. 

Những điều chỉnh như vậy trước mắt có thể làm hụt thu ngân sách nhưng trong tình huống hiện nay, cần tính toán kịch bản dài hơi: giảm mạnh thuế để thúc đẩy tăng trưởng, giảm bớt áp lực lạm phát, sau đó thu ngân sách sẽ tốt hơn khi doanh nghiệp, kinh tế phục hồi.

Hà Lan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE