You are here

Gạo Việt tận dụng tốt cơ hội, nối tiếp kỳ tích

Bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh bùng phát, xuất khẩu gạo tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu tích cực, cả về số lượng lẫn giá trị nhờ tận dụng triệt để cơ hội đến từ các FTA - tạo tiền đề vững chắc để xuất khẩu mặt hàng tiềm năng này  bứt phá thời gian tới.

Xuất khẩu gạo đang nỗ lực viết tiếp kỳ tích. Ảnh: TL

Tiếp tục hứa hẹn tận dụng hiệu quả các FTA

Theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 60 tấn gạo thơm thượng hạng Việt Nam đầu tiên nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) đã có mặt tại thị trường Anh tiềm năng.

Được biết, hiện Anh đang áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thơm (Jasmin) là 17,4%. Tuy nhiên, theo Hiệp định UKVFTA, gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường này được miễn thuế nhập khẩu. Có thể thấy, yếu tố này góp phần nâng cao rõ rệt năng lực cạnh tranh của gạo Việt so với các đối thủ. Bởi những năm trước, mặc dù xuất khẩu gạo nước ta sang Anh cũng có mức tăng trưởng tốt, tuy nhiên do phải chịu mức thuế cao, nên sức cạnh tranh yếu, giá trị đem lại chưa cao.

Còn theo dự báo của Bộ Công thương, UKVFTA đi vào thực thi từ 1/1/2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hàng hóa, nhất là nông sản Việt rộng cửa vào thị trường số 1 châu Âu này. Trong đó, gạo Việt xuất khẩu vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch. Như vậy, với những ưu đãi từ hiệp định này, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối của Anh nhập gạo Việt Nam, theo đó, lượng gạo chất lượng cao xuất khẩu Anh dự báo sẽ tăng đột biến trong năm 2021.

Trước đó, ngay những ngày đầu năm mới 2021, lô hàng 1.600 tấn gạo đã có mặt trên kệ hàng tại Singapore và Malaysia, với mức giá “kỷ lục” lên đến 750 USD/tấn.

Bên cạnh đó, đánh giá của ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, cho thấy tại thị trường châu Âu, thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tận dụng hiệu quả lợi thế về ưu đãi thuế quan mà FTA Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại với sự bứt phá ngoạn mục về lượng và về chất. Trong năm 2020, xuất khẩu gạo vào EU không chỉ giữ được đà tăng trưởng về lượng, mà giá xuất khẩu đạt mức cao, tạo được uy tín và chỗ đứng tại châu Âu.

Ngoài ra, trong khuôn khổ FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021.

Thực tế cho thấy, nhờ những nền tảng quan trọng từ các FTA, nhất là EVFTA, xuất khẩu gạo năm 2020 đã cán đích 6,15 triệu tấn, với trị giá 3,07 tỷ USD (trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%). "Tất cả các yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là nền tảng tốt để xuất khẩu gạo nước ta bứt phá, tạo được những kỳ tích mới trong thời gian tới" - lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.

Hướng đến chính phục phân khúc thị trường có giá trị cao

Theo dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo theo đó giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của nhiều quốc gia trên thế giới để phục vụ phóng chống dịch.

Trong bối cảnh đó, gạo Việt có nhiều lợi thế với sức cạnh tranh đang ngày càng được cải thiện rõ nét đang có rất nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tiềm năng xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm sang thị trường lớn bậc nhất thế giới là EU còn rất lớn và chúng ta không thể bỏ qua thời cơ “vàng” này.

Sự kiện gạo ST 25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới đã góp thêm một “tín chỉ” về chất lượng và giá trị thương hiệu cho gạo Việt Nam xuất khẩu.

Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng, ngành lúa gạo Việt nên hướng đến chính phục phân khúc thị trường có giá trị cao hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần tái cơ cấu ngành theo hướng chuyển dịch mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao; trồng các loại lúa gạo thơm, gạo dẻo, gạo nếp…

Bên cạnh đó, nước ta tăng cường sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi “khép kín” từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ…bảo đảm được những yêu cầu khắt khe của châu Âu, nhất là phải làm tốt các khâu liên quan chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp lưu ý, trong năm 2021, các doanh nghiệp trồng trọt và chế biến lúa gạo nên tập trung ưu tiên khai thác và chinh phục thị trường EU để thông qua đó, tạo uy tín, vị trí cũng như “giấy thông hành” để có thể rộng đường thâm nhập tất cả các thị trường có nhu cầu trên thế giới. 

Ðề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Tố Uyên

 

 

Theo Thời báo tài chính



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ PHÁT SÓNG

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE