You are here

Doanh nghiệp kinh doanh khí vẫn nhiều "tâm tư" về dự thảo mới

 

Không thể thực hiện

Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí (Nghị định 19) có hiệu lực từ giữa năm 2016, nhưng ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối và kiến nghị từ các DN, hiệp hội. Không ít DN đã lên tiếng cho rằng, dự thảo nghị định này khi đưa ra lấy ý kiến không rộng rãi, không tiếp nhận ý kiến phản ánh của các DN, hiệp hội, vì thế, hàng loạt những bất cập được đem ra thực thi đã khiến DN gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, các DN rất nhanh chóng được “thở phào” khi Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký “Quyết định Phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017”, trong đó loại bỏ, đơn giản hóa 18 quy định về kinh doanh khí.

Về vấn đề này, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Đông Tùng- Hà Giang cho rằng, nếu kéo dài hơn nữa thời gian thực thi của Nghị định 19 thì nhiều DN bán lẻ gas tại các địa phương có thể sẽ phải dừng hoạt động vì không thể đáp ứng yêu cầu của Nhà nước.

Hiểu được bức xúc và mong muốn của DN, bản dự thảo về Nghị định này đã được Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến DN. Tuy nhiên, với nhiều DN, bản dự thảo này vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, các bộ ngành cần lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi về từng điều cụ thể, lấy ý kiến rộng rãi với các DN nhiều địa phương và loại hình DN khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Giám, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư, thiết bị dầu khí Việt Nam kiến nghị, nghị định về kinh doanh khí nên tập tập trung vào các nội dung đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh năng lượng và giảm thiểu gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái còn các điều kiện khác thì nên áp dụng như hàng hóa thông thường, bởi hiện nay, các DN này cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh, giá dầu giảm...

Tiêu biểu như điều kiện chai LPG khi lưu thông trên thị trường phải thực hiện kiểm định, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, màu sơn theo quy định. Ông Nguyễn Khắc Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Gas Petrolimex kiến nghị bỏ đăng ký màu sơn vì đây là nội dung công bố tiêu chuẩn cơ sở của thương nhân kinh doanh, Nhà nước không bảo hộ riêng về màu sơn của vỏ bình mà bảo hộ tổng thể nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có màu sắc của vỏ bình.

Đừng là “hòn đá tảng”

Nhìn chung, các DN kinh doanh khí đều rất quan tâm đến những quy định về điều kiện kinh doanh tại nghị định này, bởi với tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ DN, các DN đều mong muốn không có sự cản trở DN trong kinh doanh, điều kiện nào hợp lý, DN sẽ phục tùng để đảm bảo an toàn và tính tuân thủ pháp luật.

Theo ông Hà Thanh Tùng, các điều khoản nên tách bạch từng loại hình kinh doanh, kinh doanh bán lẻ phải khác với việc buôn bán cho các nhà máy, cơ sở sản xuất. Nhất là khi, một số điều kiện kinh doanh đang gây khó khăn cho các DN bán lẻ, mà chủ yếu là những hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ.

“Khoản 6, điều 23 dự thảo nghị định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh mua bán khí có quy định về việc gửi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tới Bộ Công Thương. Quy định này sẽ gây khó cho DN vì một số trạm chiết có thương hiệu riêng sẽ thực hiện được ngay, nhưng với tổng đại lý, đại lý thì không thể có thương hiệu riêng, do không có vỏ gas thuộc sở hữu, chỉ thực hiện mua bán hàng hóa.

Nếu dùng nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị khác thì chồng chéo, một thương hiệu có thể bán cho 10 thường nhân thì cả 10 thương nhân đều không thể gửi đăng ký nhãn hiệu về Bộ, mà nhãn hiệu này cũng không thuộc thương nhân mua bán. Do đó, việc gửi nhãn hiệu chỉ để báo cáo và nên để Sở Công Thương tiếp nhận việc này”, ông Tùng đề xuất.

Cũng bày tỏ sự băn khoăn với một số quy định tại dự thảo nghị định, ông Nguyễn Văn Giám đưa ra ý kiến về việc giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương thanh kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh khí đầu mối tuân thủ các quy định pháp luật về giá. Ông Giám đề nghị nên nói cụ thể hơn việc giám sát về giá này, bởi giá của các DN đầu mối có sự thay đổi phụ thuộc vào điều kiện của khách hàng, ví dụ như khách hàng ở gần sẽ có giá khác với DN ở xa, nên việc báo cáo, đưa ra mức giá chung sẽ khó thực hiện cho DN đầu mối.

Việc sửa đổi các điều kiện kinh doanh của DN khí được Bộ Công Thương xác định xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh; hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Vì thế, các điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.

Có thể thấy, mục tiêu đề ra nhiều nhưng các DN đều chờ đợi và hành động cụ thể của các bộ ngành, mà trước hết là việc tiếp thu ý kiến của DN để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh khí, giúp DN thuận lợi hơn cho sản xuất, kinh doanh; tránh để những điều kiện này trở thành “hòn đá tảng” cho nỗ lực tiến lên của DN.

 

Theo Hải quan



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE