You are here

Bộ Công Thương bị ‘kêu' tạo nhiều rào cản về thuơng mại điện tử

Những quy định rất chung chung trong dự thảo sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến, đang tạo ra những rào cản thậm chí tạo những cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng như những quy định đang có nguy cơ bị tuýt còi vì phạm luật.

Quản lý giao dịch thương mại điện tử là cần thiết nhưng không thể tạo ra các rào cản cho doanh nghiệp. Lazada cũng từng để xảy ra trường hợp bán các bộ phận của súng trên gian hàng 

Tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Đây là những góp ý đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử  (TMĐT) do Bộ Công Thương và VCCI phối hợp tổ chức ngày 14/1.

Theo đại diện các doanh nghiệp và luật sư tham gia hội thảo, Bộ Công Thương cần tạo cơ chế phát triển thương mại điện tử thay vì quản lý chặt chẽ như đang xây dựng trong dự thảo. Việc đưa ra những rào cản quản lý không cần thiết không chỉ để lọt những mô hình mới cần quản lý cũng như bỏ lọt việc thu thuế.

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luật SBLaw cho rằng, các điều kiện tiếp cận thị trường được Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo Nghị định đi kèm các quy định mềm, thậm chí tạo ra cơ chế xin-cho mới đang làm tăng rào cản tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài  như việc cơ quan cấp giấy phép kinh doanh về dịch vụ TMĐT sẽ phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi được cấp phép.

Theo ông Hà, Điều 36 của dự thảo có những quy định rất mập mờ gây khó khăn cho việc vận hành của các DN và không biết cơ quan nào sẽ là cơ quan chính chịu trách nhiệm để quản lý các vấn đề về trách nhiệm đối với hàng hóa, và dịch vụ bán trên các sàn thương mại. “Trách nhiệm của sàn và người bán cần phải được xem xét một cách độc lập với nhau theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu người bán vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT thì tùy mức độ, hành vi vi phạm mà phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính theo quy định pháp luật có liên quan”, ông Hà nói.

Theo luật sư Hà, với sự phát triển của dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, với thương mại điện tử, điểm hấp dẫn là người tiêu dùng ngồi một chỗ có thể mua bán ở khắp mọi nơi. Nếu dự thảo chỉ cho phép nhà cung cấp ở nước ngoài chỉ được phép bán qua sàn thương mại điện tử ở Việt Nam là không phù hợp với thực tiễn.

Một bất cập khác cũng được ông Hà chỉ ra là việc dự thảo còn quy định các sàn thuơng mại điện tử phải “xác minh” danh tính của nhà bán hàng nước ngoài. “Như ở Singapore, nhà bán hàng nước ngoài chỉ cần cung cấp giấy phép kinh doanh và các tài liệu có liên quan có hiệu lực của nước nguyên xứ cho sàn giao dịch TMĐT được cấp phép để tiến hành hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc “xác minh” trong trường hợp cần thiết sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện với sự phối hợp của sàn TMĐT”, ông Hà nói.

Chưa kể, các quy định của khoản 11 của điều 36 đang can thiệp rất sâu vào hoạt động của các DN thương mại điện tử và cũng không quy định cụ thể cơ quan nào quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý. Sự phân vai không rõ này khiến cho DN dễ bị tất cả các cơ quan vào kiểm tra, gây khó dễ gây mất thời gian, ảnh hưởng hoạt động của DN cũng như bị mất tiền phạt không đáng có. Chưa kể các quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo trong Luật An toàn thông tin và Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Bà Chu Thị Hoa (Bộ Tư Pháp) cho rằng, dự thảo Nghị định đang thiên về siết chặt quản lý hơn là thúc đẩy phát triển. Điều này nguy hiểm, vì Chính phủ chủ trương đang đẩy mạnh thúc đẩy thương mại điện tử. Theo bà Hoa, quy định liên đới trách nhiệm trong dự thảo mà Bộ Công Thương xây dựng cũng không rõ ràng. Nên để các sàn tự cạnh tranh với nhau, tự sinh tự diệt chứ không nên quản lý cứng nhắc như dự thảo.

“Các sàn phải nâng cấp chất lượng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Các vi phạm sẽ có các điều chỉnh, xử lý trong các luật đã có. Ban soạn thảo phải minh bạch các quy định. Ngay quy định tiếp cận thị trường bản thân tôi cũng băn khoăn. Nếu quy định chặt như hiện nay sẽ xung đột với Luật Cạnh tranh cũng như các luật khác. Có các ngành nghề kinh doanh mới nhưng tôi chưa thấy được đưa vào dự thảo lần này. Nếu bỏ lọt thì không thu được thuế cho nhà nước”, bà Hoa chia sẻ.

Theo bà Hoa, trong tổ công tác rà soát hơn 8.000 văn bản mà Bộ Tư pháp tham gia thẩm định, hiện Nghị định 52 đang không quét, điều chỉnh được nhiều hoạt động thương mại xuyên biên giới. “Tôi đọc dự thảo thì không thấy đề cập đến quản lý các hoạt động của Grab Bike, beeBike, Gojek khi họ đang hoạt động như các sàn thương mại điện tử thông qua các ứng dụng gọi xe máy. Trong khi các đơn vị này có hàng nghìn lao động chưa được quản lý”, bà Hoa nói.

Cần tạo cạnh tranh bình đẳng

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cho rằng, bất cứ rào cản đầu tư nào được cơ quan quản lý đưa ra sẽ ảnh hưởng ngay lập tức với việc gọi vốn của doanh nghiệp. Theo ông Dũng, các quy định được đưa ra lại có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài như Shopee, Lazada còn các doanh nghiệp trong nước như Sendo, Tiki lại bị ảnh hướng rất lớn trong việc hạn chế vốn đầu tư. “Các quy định đưa ra tạo rào cản cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và tập đoàn đa quốc gia. Điểm 2B cần bỏ ra khỏi dự thảo lần này”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và Truyền thông cho rằng, dự thảo nghị định quy định việc tiếp cận dữ liệu của các sàn cần xem xét lại. Không nên vì phục vụ sự thuận tiện của cơ quan quản lý mà yêu cầu các sàn phải tạo mục cung cấp thông tin. Việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam vì như các nước họ không yêu cầu như vậy và dễ vi phạm các quy định pháp luật.

“Bộ Công Thương sẽ tự làm khó mình khi đưa ra những quy định hoàn toàn không khả thi. Nếu quy định thắt chặt các điều kiện thì sẽ rất dễ rơi vào bẫy không khuyến khích được sự phát triển. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài càng được siết các quy định chặt chẽ thì lại có lợi cho họ vì các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước đi sau vào Việt Nam sẽ bị quản lý chặt hơn và không  có cơ hội cho phát triển thương mại điện tử của Việt Nam”, ông Đồng nói.

Băn khoăn việc ban hành nghị định vào thời điểm này có phù hợp, ông Đoàn Tử Tích Phước, Trưởng đại diện của ví điện tử Momo tại Hà Nội kiến nghị cần xem lại việc siết lại các hoạt động của các sàn thương mại trong bối cảnh Chính phủ đang muốn thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. “Quy định này sẽ hạn chế một lượng lớn hộ gia đình tham gia kinh doanh hợp pháp. Thực tế khi vào quán ăn, vào mua thuốc có người mua nào có đòi người bán cung cấp các loại giấy tờ chứng nhận này không”, ông Phước nói. Đại diện Momo cho rằng, với môi trường thương mại điện tử, không thể quản lý như vậy. Chưa kể các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc này.

Theo bà Lại Việt Anh, Vụ phó Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Nghị định về thương mại điện tử đã qua 3 lần sửa đổi. Đến nay các quy định đã có những lỗ hổng cần sửa đổi. Cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử thì xuất hiện hàng gian, hàng giả, vi phạm thương quyền của các tập đoàn lớn. Với người tiêu dùng, những phản ánh về hành hóa không đúng chất lượng, lừa đảo, có yếu tố nước ngoài hoạt động không phép… cũng được ghi nhận.  Từ việc này, Bộ Công Thương xác định xây dựng các chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thương mại điện tử với những quy định chặt chẽ về chủ website, sàn thương mại. Cùng đó là sự nở rộ của các mạng xã hội và sàn thương mại có yếu tố nước ngoài.

PHẠM TUYÊN

Theo Tiền Phong



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE