You are here

Tạo hành lang pháp lý phát triển bảo tàng số

Cuộc cách mạng công nghệ diễn ra nhanh chóng khiến trưng bày trực tuyến và bảo tàng số đang trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để phát triển loại hình này tại Việt Nam, cần có bước chuẩn bị không chỉ về cơ sở vật chất, con người mà cả các vấn đề pháp lý liên quan.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động như thư viện số, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, triển lãm 3D... Tuy nhiên, theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, do chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc hợp tác công tư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong bảo tàng nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải vừa làm, vừa dò dẫm, vừa rút kinh nghiệm. Có những vấn đề thực tế phát sinh sau khi ứng dụng được đưa vào phục vụ như quản lý, vận hành thiết bị, khai thác, quảng bá sản phẩm… đòi hỏi Bảo tàng phải đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện. Đây cũng là điều đáng quan tâm, cân nhắc. 

Cần có quy định phù hợp phát triển bảo tàng số. Ảnh: BTLSVN

Tháng 12.2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Công ty Vietsoft Pro phối hợp thực hiện triển lãm trực tuyến 3D “Tranh sơn mài Việt Nam”. Dự án đã gặt hái được nhiều thành công, cả trên phương diện văn hóa lẫn ngoại giao. TS. Nguyễn Anh Minh cho biết, để thực hiện những chương trình như vậy, bảo tàng không đủ nguồn lực mà phải phối hợp với các công ty công nghệ và càng có nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thì công tác phối hợp càng cần được chuẩn hóa nhằm giúp các bảo tàng vừa thực hiện được nhiệm vụ của mình, vừa bảo đảm an ninh, an toàn cho nguồn tài nguyên thông tin hiện vật mà bảo tàng nắm giữ.

Nhận thức được xu hướng phát triển của tương lai, việc xây dựng bảo tàng ảo, công nghệ 3D cũng đang từng bước được các bảo tàng khác triển khai: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh... 

Nhiều “phòng trưng bày ảo”, “bảo tàng ảo” có nguồn gốc từ “các trang web” hoặc “trang chủ” được các bảo tàng duy trì. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh Hoàng Anh Tuấn nhận định, trên thực tế, hầu hết bảo tàng ảo được xây dựng bởi các bảo tàng và phụ thuộc trực tiếp vào các bộ sưu tập hiện có của họ. Bảo tàng ảo là một thực thể hoặc ứng dụng kỹ thuật số mô phỏng, bổ sung và nâng cao các đặc điểm của bảo tàng truyền thống (vật lý). Du khách có thể tham gia chuyến tham quan bảo tàng ảo bằng bất kỳ thiết bị nào như điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay, hoặc có thể trải nghiệm tương tác và nhập vai bằng công nghệ VR/AR. Ngoài bảo tàng ảo (virtual museum) các bảo tàng còn thực hiện các triển lãm trực tuyến (online exhibition), cung cấp “triển lãm ảo” trên trang web mở rộng hoặc nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter…). 

Bản quyền đóng vai trò quan trọng

Cách mạng Công nghệ 4.0 đang thay đổi bảo tàng ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, sự ra đời và phát triển bảo tàng kỹ thuật số là một tất yếu, không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của bảo tàng trong thời đại công nghệ cao mà còn nâng cao giá trị xã hội của di sản văn hóa. 

Bảo tàng ảo, trưng bày ảo cho phép bất cứ ai cũng có thể đến thăm bảo tàng, không giới hạn không gian và thời gian. Việc số hóa các hiện vật/tác phẩm quý, nhưng dễ bị tổn thương cho phép bảo quản, lưu giữ chúng ở những nơi an toàn, nhưng vẫn hiển thị mọi thứ trong môi trường thực tế ảo giúp công chúng tiếp cận thưởng lãm…

Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, bảo tàng kỹ thuật số có nhiều hình thức khác nhau và phục vụ các mục đích khác nhau. Cho dù chúng liên quan đến số hóa hoặc phổ biến các bộ sưu tập qua mạng xã hội hoặc các nền tảng công nghệ khác, các bảo tàng kỹ thuật số phải đối mặt với một số vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bảo vệ dữ liệu… Do đó, hướng đến tương lai của bảo tàng kỹ thuật số và việc song hành của nó với bảo tàng truyền thống cần có những bước chuẩn bị nền tảng về cơ sở vật chất, con người và vấn đề pháp lý liên quan đến các yếu tố về thẩm quyền, quyền sở hữu và kiểm soát việc tiếp cận di sản... để sự ra đời của nó đáp ứng và hỗ trợ một cách tốt nhất yêu cầu giáo dục giải trí và thưởng thức ngày càng cao của công chúng. 

Một số chuyên gia cho rằng cần bổ sung quy định về điều kiện thành lập hoặc cấp phép hoạt động đối với bảo tàng số. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề bản quyền hình ảnh, bảo vệ dữ liệu… Trong đó, bản quyền đóng vai trò quan trọng, chi phối việc sử dụng nội dung. 

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Anh Minh góp ý, để việc ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả, cần có các quy định pháp luật cụ thể như: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng cần được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi sắp tới. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng; quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa; quy định về bản quyền công nghệ, bản quyền hình ảnh hiện vật.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, sự phát triển của bảo tàng kỹ thuật số đặt ra các vấn đề pháp lý phức tạp và sẽ mất nhiều năm để luật pháp thích ứng với thực tế mới. Trong khi đó, các bảo tàng đang thực hiện dự án số hóa có thể thực hiện một số bước nhất định để tránh các vấn đề không lường trước liên quan đến sở hữu trí tuệ, như xác định chủ sở hữu quyền và nếu có, xin phép số hóa tác phẩm, cung cấp miễn phí trên mạng; khuyến khích sử dụng dữ liệu mở…

Ngọc Phương



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE