You are here

“Mang mật về tổ chứ không tạo mật ngọt rồi bay đi”

Chuyển đổi số không phải bê toàn bộ những gì mình có lên mạng xã hội, mà phải từ các nội dung đó mang lại nguồn thu, giúp cơ quan báo chí tái đầu tư và phát triển bền vững.

Chuyển đổi số không phải trào lưu

Sự phát triển nhanh chóng của internet và các loại hình truyền thông đã tạo ra sức ép lớn, buộc các cơ quan báo chí phải tìm ra hướng phát triển thích hợp, nếu như muốn sản phẩm thông tin được công chúng tiếp nhận. Nhiều cơ quan báo chí lớn tại Việt Nam đã và đang tiến hành chuyển đổi số. Dù vậy, các chuyên gia tham gia Diễn đàn Báo chí tháng 6.2022 với chủ đề Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn đều cho rằng, chuyển đổi số nói thì rất đơn giản, nhưng đi vào thực hiện lại là bài toán hóc búa, nhất là với những tòa soạn báo điện tử có quy mô không lớn và bị hạn chế về nguồn lực. 

Chuyển đổi số đang là bài toán đặt ra với báo chí. Ảnh: hcmussh.edu.vn

Theo PGS.TS. Trương Thị Kiên, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngay cả một số cơ quan báo chí lớn cũng vẫn đang loay hoay với câu chuyện chuyển đổi số như thế nào, kinh phí đâu, công nghệ gì, và đặc biệt là bài toán về nguồn nhân lực với tư duy chuyển đổi số và sự sáng tạo, để nhà báo có thể tự do điều khiển công nghệ, làm cho công nghệ thực sự là phương tiện phục vụ sự thay đổi...

Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán, thính giả, muốn tồn tại thì phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, không phải cứ mua công nghệ là xong, mà quan trọng là có tư duy đúng đắn thúc đẩy việc sử dụng công nghệ. Theo nhận định của các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Bởi vậy, mấu chốt vẫn ở con người và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ sự cấp bách chứ không phải làm theo trào lưu.

Chuyển đổi số không phải là đưa các nội dung lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số. Nhấn mạnh điều này, ThS. Nguyễn Đình Hậu, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh yếu tố cần là lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn, yếu tố đủ là các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số cũng như tạo môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn. 

Bởi vậy, bên cạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, thì vấn đề quan trọng hơn là đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để có thể làm việc trong môi trường số; tập trung nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số để chuyển đổi số báo chí và truyền thông thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30.11.2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816, trong đó báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập là 29. Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học - công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới. 

Đặt giá trị của công chúng lên hàng đầu

Khi công chúng đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận thông tin, báo chí không thể làm như trước mà phải thay đổi để thích ứng và phục vụ hiệu quả hơn. Hướng tiếp cận chuyển đổi số báo chí hiện nay khá đa dạng, từ góc độ công nghệ, tổ chức, mô hình đến thông tin, con người, tư duy… Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh góc nhìn về nội dung số. Một số khảo sát về xu hướng báo chí thế giới gần đây cho thấy có tới 44% người trả lời khẳng định thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là thay đổi quan trọng nhất và phải coi độc giả là trung tâm. 

Nói về những cuộc “di dân” từ báo in sang báo điện tử, và những cuộc di dân khác trong lĩnh vực truyền thông thời gian qua, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Báo điện tử Vietnamplus nhận định: Độc giả ở đâu thì báo chí theo đến đó. Lý do là độc giả không còn thụ động ngồi chờ được cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo. Đương nhiên, đấy đều là những nền tảng số, gắn liền với những sản phẩm báo chí mới. 

Nhiều ví dụ về thành công của các hãng truyền thông trên thế giới như The New York Times, The Guardian... từ việc hiểu rõ công chúng của mình, ứng dụng sáng tạo công nghệ mới vào sản xuất nội dung, vận dụng các mô hình khác nhau, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cao, đặt giá trị của người đọc lên hàng đầu... là những gợi ý tốt cho các cơ quan báo chí Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số. 

Cùng ý kiến, nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now - Đài truyền hình Kỹ thuật số (VTC) làm rõ thêm: “Nếu với báo chí truyền thống, bạn muốn đọc tin, bạn cần đi tìm mua báo, tức là người đi tìm tin. Còn với báo chí trên mạng xã hội, máy tính đã thu thập thói quen của bạn và đề xuất những tin tức hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu, tức là tin đi tìm người. Nếu không biết làm thế nào để tin đi tìm người một cách đúng và trúng nhất thì sản phẩm nội dung của bạn dẫu hấp dẫn cũng vẫn có thể chỉ là áo gấm đi đêm mà thôi”.

Trăn trở chuyển đổi số và có những hoạt động đưa nội dung lên internet, làm app, đặt mục tiêu có trăm like, nghìn view, triệu sub… nhưng theo nhà báo Nguyễn Lê Tân, giá trị cốt lõi của báo chí, truyền hình không phải là công nghệ, mà là nội dung. Chạy đua tự đầu tư, tự phát triển công nghệ có thể không phải cách làm phù hợp với tất cả. Bên cạnh đó, công chúng trên các nền tảng mạng xã hội có những thói quen riêng, người làm báo phải hiểu thói quen đó để tạo ra những món ăn phù hợp. Và quan trọng không phải bê toàn bộ những gì mình có lên mạng xã hội, mà phải làm sao từ các nội dung đó có thể mang lại nguồn thu, giúp các cơ quan báo chí tái đầu tư và phát triển bền vững, tức là “mang mật về tổ chứ không phải tạo mật ngọt rồi bay đi”.

Thảo Nguyên



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE