You are here

Tiêu chuẩn chức danh giáo viên: Còn nhiều bất cập

Theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, việc xét nâng hạng đối với giáo viên sẽ rất khó, đặc biệt hạng I. Bên cạnh đó, tiêu chí đạo đức theo từng hạng cũng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

Bộ GD&ĐT đã ban hành bốn thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập. Chùm thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20-3.

Quá nhiều tiêu chí, có những tiêu chí khó với tới 

Theo các thông tư mới, ở tất cả cấp học, giáo viên (GV) đều được xếp từ hạng III (bỏ hạng IV). Theo nhận xét của các nhà quản lý, GV, trong các thông tư, tiêu chí về việc xét nâng hạng khó hơn, đặc biệt đối với GV hạng I (hạng cao nhất). 

“Nghiên cứu kỹ Thông tư 02, các tiêu chí đều rất khó. Hiện giờ tôi đang ở hạng II nhưng khó có thể giữ hạng vì có rất nhiều yêu cầu. Còn muốn nâng lên hạng I, với năng lực của tôi điều đó khó có thể thực hiện” - thầy V., GV một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, than thở.

Đơn cử đối với GV hạng I, ngoài các nhiệm vụ của GV hạng II còn phải tham gia vào bốn nhiệm vụ: Thứ nhất, tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng GV, học sinh tiểu học hoặc tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn. Thứ hai, phải chủ trì các hoạt động bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học. Thứ ba, tham gia đoàn đánh giá ngoài hoặc tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra từ cấp huyện trở lên. Cuối cùng, tham gia ban giám khảo hội thi GV dạy giỏi hoặc GV chủ nhiệm lớp giỏi... Ngoài ra, GV còn phải có trình độ thạc sĩ. 

“Tham gia biên soạn chương trình rất khó. Ngay cả việc tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cũng khó khả thi. Bởi hiện nay sách giáo khoa theo quy định sẽ do tỉnh chọn. Việc tham gia đoàn đánh giá ngoài hiện chỉ có hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường, chưa kể GV còn phải có trình độ thạc sĩ. Do đó, trong trường tiểu học để đạt được hạng I rất ít” - thầy V. bày tỏ.

Cùng suy nghĩ, thầy S., GV một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh, nêu quan điểm để đạt được GV hạng I rất khó vì phải đạt được rất nhiều tiêu chí theo quy định. Đặc biệt đối với GV thì càng không thể vì có những tiêu chí khó đáp ứng được.

Không chỉ GV mà các nhà quản lý cũng rất bất ngờ khi đọc những tiêu chí xếp hạng trong thông tư mới.

 

“Thông tư 03 sắp có hiệu lực có nhiều cái mới. Nếu trước đây không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III thì bây giờ hạng III cũng bắt phải đi học lấy chứng chỉ, ngoài ra bị phân công rất nhiều công việc, còn phải bổ sung đủ thứ bằng cấp. Tôi cứ nghĩ đến GV là thấy thương. Hiện giờ tôi đang hạng II nhưng để giữ hạng cũng khó, chắc phải về hưu non” - hiệu trưởng một trường THCS tại quận Bình Tân nói.

Cô trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9 (TP Thủ Đức, TP.HCM) trong một tiết học. Ảnh: NQ

Sao lại phân hạng đạo đức giáo viên?

Đề cập đến những quy định trong thông tư mới, bà H., Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết vô lý nhất ở phần xếp loại đạo đức nhà giáo. 

Theo Thông tư 02, GV tiểu học hạng III phải đáp ứng bốn tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Với GV tiểu học hạng II, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của GV tiểu học hạng III, phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Còn GV tiểu học hạng I, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của GV tiểu học hạng II, phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chí đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng cũng được thể hiện trong các thông tư khác. Theo đó, cứ hạng cao hơn thì sẽ có thêm tiêu chí. 

Theo bà H., nghề giáo là một nghề đặc thù, bắt buộc GV phải có đạo đức thì mới có thể đứng lớp. Hơn nữa, GV phải đảm bảo các tiêu chí của đạo đức nhà giáo theo Quyết định 16 của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, GV đều có đánh giá chuẩn hằng năm. Vì thế, việc phân hạng đạo đức nhà giáo không phù hợp.

“Trong trường hợp nếu GV không đáp ứng được các tiêu chí trên thì liệu họ có bị hạ bậc. Có ai đảm bảo GV hạng III đạo đức thấp hơn hạng II. Bởi một khi đã đứng trên bục giảng thì GV sẽ là tấm gương để học trò noi theo. Do đó, việc quy định như thế là không nên. Thiết nghĩ thay vì phân theo từng hạng, cần có chuẩn đánh giá, từ đó điều chỉnh hằng năm” - bà H. bày tỏ.

Đồng quan điểm với bà H., ông H., Hiệu trưởng một trường tại quận 3, cho rằng việc quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III không cần quy định thêm tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.

 

“Bởi nhà giáo đã được quản lý bởi các quy định của ngành. Tùy theo cấp học có điều lệ trường học, trong điều lệ đã quy định rõ về đạo đức. Hơn nữa, nhà giáo còn phải đáp ứng quy định đạo đức nhà giáo. Cho nên trong tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp chỉ nên yêu cầu về trình độ chuyên môn. Việc đưa tiêu chí đạo đức nghề nghiệp vào sẽ thừa và không thể thực hiện được trong thực tế. Ai có thể đảm bảo được việc phân hạng đạo đức là đúng” - ông H. nói thêm.

Nhà giáo đã được quản lý bởi các quy định của ngành. Tùy theo cấp học có điều lệ trường học, trong điều lệ đã quy định rõ về đạo đức. Hơn nữa, nhà giáo còn bị quản chế bởi quy định đạo đức nhà giáo. Cho nên trong tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp chỉ yêu cầu về trình độ chuyên môn là đủ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM

Các tiêu chí trong thông tư phân bổ theo từng hạng hiện nay không hợp lý, khó khả thi và ít người có thể đáp ứng. Nên chăng trong quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cần phân loại điều kiện GV và cán bộ quản lý. Ngoài ra cũng nên phân loại trường chuyên, trường loại 1, trường ở trung tâm TP khác với trường vùng ven, không thể cá mè một lứa.

Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE