You are here

"Chìa khóa" an toàn khi tham gia đào tạo liên kết nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, liên kết đào tạo quốc tế là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, để lựa chọn được một chương trình đào tạo phù hợp, có chất lượng trong số hàng trăm chương trình đang có mặt tại Việt Nam là điều không dễ. Bởi vậy học sinh và phụ huynh cần có vốn kiến thức nhất định về hệ thống giáo dục trên thế giới để đưa ra quyết định chính xác.

“Mác ngoại” nhưng chất lượng không bảo đảm

Sở hữu bằng cử nhân quốc tế, học tập theo phương pháp mới, cơ hội việc làm rộng mở là những yếu tố giúp chương trình liên kết đào tạo quốc tế (ĐTQT) ngày càng được sinh viên ưa chuộng. 4 năm trước, em Nguyễn Trần Ngọc Anh đã đỗ hầu hết các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh.

Thế nhưng, thay vì lựa chọn du học hay học một trường công tốp đầu, em đã chọn chương trình liên kết ĐTQT của Trường Đại học (ĐH) Hà Nội. Ngọc Anh chia sẻ: “Em quyết định theo học chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Hà Nội với ĐH IMC Krems của Áo vì không phải sống xa gia đình mà vẫn có bằng quốc tế và có môi trường sử dụng ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, với cách tiếp cận mở, chương trình học mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai”.

Học sinh và người nhà tìm hiểu thông tin chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Hà Nội với Đại học IMC Krems của Áo.

Theo học chương trình liên kết ĐTQT có xu hướng trở thành lựa chọn được ưu tiên đối với nhiều học sinh, nhất là học sinh thành phố sau hơn hai năm dịch Covid-19 khiến cho việc du học trở nên khó khăn. Không thể phủ nhận nhiều chương trình liên kết ĐTQT hiện nay nhận được sự đánh giá cao từ phía xã hội và người học.

Nhận thấy đây là thị trường vô cùng tiềm năng, cùng với cơ chế tự chủ, nhiều cơ sở đại học ngày càng phát triển các chương trình liên kết ĐTQT nhằm mang lại nhiều lựa chọn cho học sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người học phải có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình, nếu không muốn rơi vào “cái bẫy” truyền thông của những chương trình kém chất lượng, hoặc không chọn được chương trình phù hợp. Đã có những chương trình liên kết đào tạo mang “mác ngoại” nhưng chất lượng không bảo đảm.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phụ trách tuyển sinh Chương trình liên kết ĐTQT La Trobe-Trường ĐH Hà Nội cho hay: Học những chương trình liên kết quốc tế mà chất lượng đào tạo bị buông lỏng hoặc đã bị “Việt Nam hóa” khiến kiến thức sinh viên nhận được không đạt chuẩn quốc tế.

Chương trình liên kết ĐTQT nhưng đầu vào tiếng Anh lại quá thấp là điều đáng nghi ngại. Hiện có nhiều chương trình liên kết ĐTQT không bảo đảm chất lượng. Nếu học sinh và phụ huynh không tìm hiểu một cách thấu đáo thì tấm bằng ra trường sẽ không có nhiều cơ hội.

Có thể thấy chất lượng của nhiều chương trình liên kết ĐTQT tại Việt Nam hiện rất bấp bênh. Nguyên do chính là các chương trình này hiện đang nằm ở “vùng mờ”, bên ngoài sự kiểm soát của cả nước cung cấp lẫn nước tiếp nhận. Về bảo đảm chất lượng, nước ta hiện nay vẫn chỉ tập trung kiểm soát đầu vào, chủ yếu là khâu cấp phép. Như vậy là chưa đủ mà còn phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho người học và toàn xã hội. 

Công khai, minh bạch thông tin đến người học

Tính đến tháng 12-2021, trong các chương trình liên kết ĐTQT đang hoạt động, có 282 chương trình đào tạo tiến sĩ, 106 chương trình đào tạo thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo đại học. Trước đó, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã rà soát và dừng tới gần 200 chương trình liên kết quốc tế chưa đạt yêu cầu. Hoạt động liên kết ĐTQT đang tồn tại không ít hạn chế.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp. 

Theo Bộ GD&ĐT, hạn chế đầu tiên là việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết không được xếp hạng, hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021). Chất lượng đào tạo của các chương trình này cũng khó kiểm soát so với các chương trình trong nước.

Để đánh giá chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội đề cập đến mốc năm 2012. Trước đó, khi chưa ban hành Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các chương trình liên kết ĐTQT “nở như hoa”, trong đó có rất nhiều chương trình không được Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng.

Hệ quả, học viên học các chương trình liên kết của nhiều trường đến nay chưa được cấp bằng. Sau đó, hoạt động liên kết ĐTQT được hoàn thiện bằng Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Nhờ có những văn bản pháp quy nên những hoạt động liên kết ĐTQT ở Việt Nam dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, quy mô chương trình liên kết đào tạo cũng từ đó giảm xuống bởi các yêu cầu về đối tác cao, nhưng chất lượng các chương trình được nâng lên.

Lý giải phần lớn đối tác các chương trình liên kết ĐTQT chưa được xếp hạng trong các bảng xếp hạng thế giới, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng: “Quy định của Bộ GD&ĐT chỉ đặt điều kiện về chương trình của cơ sở đào tạo đó phải được kiểm định chất lượng, nên vấn đề xếp hạng đại học không được đặt ra. Có một thực tế, để liên kết với những trường danh tiếng không phải dễ dàng. Những trường xếp hạng hàng đầu thế giới chỉ cấp bằng nếu đến nơi họ học tập với những yêu cầu về đào tạo và đánh giá chuẩn đầu ra rất khắt khe”.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, chương trình liên kết ĐTQT được đánh giá tốt trước hết phải đáp ứng các yêu cầu về thủ tục pháp lý, yêu cầu của Bộ GD&ĐT về chất lượng, đội ngũ, kiểm định chất lượng. Thứ hai là mời được đội ngũ giảng viên ưu tú nước ngoài và dành thời gian giảng dạy đủ dài ở Việt Nam, khoảng 1 học kỳ. Hiện rất nhiều chương trình giảng viên nước ngoài chỉ dạy 1-2 tuần. Thứ ba, sự phối hợp với các cơ sở giáo dục-đào tạo nước ngoài trong chia sẻ học liệu, thực hành, thực tập, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thực tập. Cuối cùng, thứ hạng quốc tế cao cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá chương trình đó có tốt hay không.

Để người học được thụ hưởng những chương trình liên kết ĐTQT có chất lượng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần có sự chung sức của nhiều bên liên quan.

Trong đó, 3 bên quan trọng nhất là: Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và người học. Với cơ quan quản lý Nhà nước, cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất là trách nhiệm của những người tham gia vào quá trình liên kết ĐTQT; đặc biệt là trường đại học ở Việt Nam, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin đến người học về chương trình đào tạo để xã hội và người học giám sát, cùng tham gia phát triển, xây dựng văn hóa chất lượng ngày càng tốt hơn.

“Chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung về giáo dục đại học, trong đó có hệ thống phần mềm để hỗ trợ việc quản lý các chương trình đào tạo. Ngoài ra, việc giám sát một cách phù hợp, sao cho việc thực hiện của các bên liên quan bảo đảm đúng quy định của pháp luật là cần thiết. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu học tập suốt đời của người học ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các trường tự chủ phê duyệt chương trình đào tạo của mình theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Sự hiểu biết của người học, sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, với một hệ thống cung cấp thông tin toàn diện cùng những chế tài, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các chương trình đào tạo chính là chìa khóa an toàn, hiệu quả cho hoạt động mang tính quốc tế này.

Bài và ảnh: THU HÀ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE